Nếu bạn đã từng đọc chuyên mục Đánh giá Coin của Dautucoin.io, chắc hẳn sẽ luôn thấy một tiêu chí “Lợi nhuận nội sinh”. Nó đề cập đến các dự án thực sự sinh ra lợi nhuận – và chỉ có lợi nhuận thực mới là động lực để dự án phát triển bền vững. Nhưng nếu xét ở góc độ blockchain tổng thể thì sao? Blockchain nào đang tạo ra lợi nhuận, chúng tạo ra lợi nhuận kiểu gì?
Trong bài viết này, chúng mình sẽ cùng xem xét cách blockchain – dưới góc độ của nhà kinh tế học, bằng cách xem xét cách mà các blockchain tạo ra doanh thu & lợi nhuận cho chúng. Mong rằng, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn mới khi đánh giá các dự án blockchain cho mục đích đầu tư.
Nội dung
Doanh thu & lợi nhuận của Blockchain
Dưới góc độ một nhà kinh tế, kinh doanh – Hãy coi blockchain là một doanh nghiệp, và kinh doanh sản phẩm của họ. Như vậy chúng ta hãy cùng đi sâu vào SẢN PHẨM, KHÁCH HÀNG, cũng như cách mà các blockchain tạo ra doanh thu và lợi nhuận.
Sản phẩm của blockchain: KHÔNG GIAN
Trước tiên chúng ta cần hiểu sản phẩm đang được rao bán là gì. Không gian blockchain giống như một sản phẩm. Nếu chúng ta dành một chút thời gian để suy nghĩ về những gì blockchain cung cấp, thì dịch vụ mà blockchain cung cấp là lưu trữ và quản lý dữ liệu. Dữ liệu được lưu trữ trong không gian blockchain, vì vậy sản phẩm họ đang bán là không gian blockchain.
Vậy điều gì làm cho không gian của một blockchain có giá trị như vậy? Hoặc chúng ta có hiểu xa hơn một chút là, tại sao cần đưa dữ liệu lên blockchain?
- Thứ 1: dữ liệu trên blockchain là vĩnh viễn và không thể thay đổi. Điều đó rất hấp dẫn đối với nhiều người. Để có được sự bảo mật tốt, các blockchain cần phải trả tiền cho những người bảo vệ sự bảo mật đó. Điều này được thực hiện bằng cách phát hành phần thưởng khối dưới dạng token cho bất kỳ ai muốn đóng vai trò đảm bảo an toàn, đảm bảo rằng các giao dịch được ghi lại chính xác trên blockchain.
- Thứ 2: Bỏ qua các lý thuyết cơ bản về blockchain như bảo mật, phi tập trung…, thì một lý do quan trọng khác khiến người ta “mua” không gian của một blockchain cụ thể nào đó, là họ muốn đưa dữ liệu lên blockchain này. Dữ liệu là cố định, nhưng việc nó hoạt động ở blockchain A hay B lại rất khác nhau. Ví dụ: Một bộ sưu tập NFT trên Ethereum sẽ có giá trị hơn những dữ liệu trên các blockchain ít danh tiếng, như Tezos chẳng hạn – nên người ta chấp nhận trả phí cao hơn để nhận lấy không gian trên Ethereum.
Thế nên, với ý thứ [2], chúng ta sẽ có thêm một khái niệm liên quan đến cung cầu của “không gian” cho từng blockchain. Câu chuyện cung cầu về cơ bản là sự phản ánh quyền lực giữa bên mua và bên bán. Nhiều người mua thì blockchain càng giá trị, và ngược lại.
Không gian blockchain giống như bất động sản. Đất chỉ dùng để xây nhà thì ít giá trị hơn đất có thể vừa xây nhà, xây văn phòng, xây trung tâm thương mại… Giá – sẽ được đo bằng phí giao dịch, tức là không gian blockchain nào có nhiều tiện ích chắc chắn sẽ đắt hơn blockchain không có tiện ích.
“Khách hàng” của blockchain là ai?
Giống như bất kỳ công ty nào, blockchain hoạt động với tư cách là một doanh nghiệp cần khách hàng để tồn tại. Các loại khách hàng có thể được phân loại thành ba nhóm:
- Nhà bán lẻ/Cá nhân: những người giống như bạn và tôi, không trả nhiều phí giao dịch và cũng không thực hiện nhiều giao dịch. Nhưng số lượng người ở nhóm này lại rất lớn. Nhóm này không phải là khách hàng lý tưởng, nhưng được bù đắp bởi số lượng.
- Các dApps (ứng dụng): Bất kỳ dApp nào được xây dựng trên blockchain đều cần có dung lượng. Nó như những công ty nhỏ thuê không gian (đất) của blockchain, và kinh doanh trên đó. Sau đó, tùy thuộc vào lượng người sử dụng dApp này, mà nó đóng góp vào chi phí giao dịch trên blockchain. Ví dụ Uniswap là dApp giúp Ethereum thu về nhiều phí giao dịch nhất.
- Các blockchain khác: Nó có thể hiểu là việc liên kết, kết nối giữa 2 blockchain riêng biệt với nhau, và như vậy, cả 2 blockchain sẽ đều được hưởng lợi từ lượng khách hàng lớn từ đôi bên, khi họ chuyển tài sản từ chain này sang chain khác – Nhìn chung, 2 bên cùng có lợi. Khái niệm có thể khá phức tạp, nhưng nếu bạn muốn hiểu sâu hơn, có thể tìm hiểu ví dụ về parachains (về cơ bản là khuyến khích những người xây dựng blockchain khác xây dựng trên Polkadot).
DOANH THU và CHI PHÍ blockchain tính bằng gì?
Để có được lợi nhuận, chúng ta phải đi tìm được doanh thu và chi phí. Ở phần trên, các bạn đã biết được rằng blockchain bán không gian. Sau đó, doanh thu ở dạng phí giao dịch được tính. Đây là số tiền mọi người sẵn sàng trả để mua dung lượng trên blockchain.
- Phí giao dịch cho Bitcoin rất linh hoạt và được quyết định bởi người dùng và người khai thác. Người dùng có thể chọn mức giá mà họ sẵn sàng trả; tuy nhiên, phí này có thể dao động từ $0 đến $50. Trong thị trường mở, người dùng có nguy cơ bị từ chối giao dịch nếu họ đặt phí quá thấp.
- Một số nền tảng blockchain thường nhận được doanh thu thông qua phí giao dịch. Khi một lượng token cụ thể được chuyển từ ví này sang ví khác, phí giao dịch sẽ được tính. Tính linh hoạt của phí giao dịch cho phép chúng thay đổi tùy theo mức độ bận rộn của blockchain đó.
Bảng dưới đây là dữ liệu từ Cyptofees.info, tham khảo về phí giao dịch mà một số blockchain, dự án thu được từ phí giao dịch:
Hoặc nếu bạn tra cứu trên tokenterminal.com, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về các blockchain. Ví dụ dưới đây là dữ liệu phí thu được lớn nhất của các nền tảng blockchain trong 1 năm qua:
Vậy còn chi phí của blockchain? Nếu bỏ qua chi phí dành cho các nhà phát triển (chi phí điều hành, sáng tạo – chúng ta không đo được nên không tính đến), thì chi phí trả cho những người vận hành/xác thực blockchain là chi phí cao nhất. Những người giúp bảo mật mạng được trả bằng các token phát hành thêm hoặc phần thưởng khối (khi khai thác). Cho đến nay, đây là cách duy nhất để khuyến khích mọi người trở thành người vận hành node hoặc người xác thực cho blockchain.

Blockchain nào đang có lợi nhuận?
Sau khi đã nhìn thấy bức tranh tổng thể về tình hình của mọi thứ, đã đến lúc chuyển sự chú ý của chúng ta sang một số ví dụ blockchain thực tế. Hãy xem các blockchain này liệu có khả năng sinh lời mạnh mẽ như danh tiếng của chúng hay không – chúng mình sẽ phân tích 3 blockchain hàng đầu hiện nay.
Bitcoin
Là loại tiền điện tử nổi tiếng nhất, blockchain lâu đời nhất và vốn hóa thị trường cao nhất, nhưng Bitcoin không phải là blockchain có khả năng sinh lời cao (thực tế là không sinh lời). Theo Token Terminal, Bitcoin kiếm được 7,3 triệu đô la phí, nhưng nó đã phát hành 480,9 triệu đô la giá trị BTC cho những người khai thác mà không hề có kế hoạch burn (đốt) coin.

Số lượng dApp được phát triển trên Bitcoin rất ít và không có nhiều sự phát triển xảy ra trên mạng chính. Mặc dù vậy, có nhiều nhà phát triển khác đang làm việc chăm chỉ để đưa ra nhiều lý do hơn để mọi người sử dụng blockchain Bitcoin. Ví dụ:
- Lightning Labs đã tạo ra mạng Lightning, cho phép giao dịch trên Bitcoin nhanh chóng hơn.
- Stacks là một blockchain Layer 2 có thể cung cấp khả năng lập trình cho Bitcoin, giúp các nhà phát triển có thể tạo các hợp đồng thông minh, dApp trên Bitcoin.
Sự thành công của các dự án này sẽ làm tăng nhu cầu về không gian khối Bitcoin, do đó sẽ tạo ra nhiều phí giao dịch hơn. Đây là một cách khả thi để chuỗi khối Bitcoin tăng doanh thu. Tuy nhiên, đó là một chặng đường dài để Bitcoin thực sự có lãi. Nhưng, có lẽ sẽ có nhiều người tự hỏi rằng, liệu Bitcoin có cần thiết phải sinh lãi không?
Bitcoin có một hào quang trong thế giới tiền điện tử. Sẽ luôn có những người giữ Bitcoin, như một biện pháp phòng ngừa lạm phát hoặc có thể họ cảm thấy Bitcoin có thể là tương lai . Nó không nhất thiết phải có lợi nhuận. Tất nhiên, luôn có chỗ cho sự cải tiến, nhưng thành công của Bitcoin không phụ thuộc vào việc nó cải thiện nhanh hay tốt như thế nào. Miễn là nó tồn tại, bản thân nó đã là giá trị. Bitcoin là một loại hàng hóa – có nhu cầu không co giãn.
Binance Smart Chain
Binance Smart Chain mặc dù đã được đổi tên thành BNB Chain, nhưng nhiều người vẫn quen thuộc gọi nó là BSC. Blockchain này gắn liền với tên tuổi của sàn giao dịch Binance, và nó thường bị chỉ trích là quá tập trung. Nhưng, theo nhiều số liệu thống kê, thì BSC hoạt động khá tốt. Ít nhất, phí giao dịch nó kiếm được lớn hơn giá trị trả cho người xác thực node. Và chính điều này khiến nó trở thành một thực thể hiếm hoi được gọi là blockchain có lợi nhuận. PancakeSwap, một trong những Dex trên BSC và nắm trong top 10 DEX, đã giúp BSC thu về 6 triệu đô la tiền phí.
Hiện tại, nhiều nhà phê bình đang chỉ trích BSC vì nó chỉ có 21 trình xác nhận. Nhìn từ góc độ bảo mật = phi tập trung, khó có thể nói rằng đây là một blockchain an toàn vì có quá ít trình xác nhận. Nhưng bất chấp tất cả những điều này, vẫn có một số lượng lớn người dùng chọn giao dịch trên BSC, bằng chứng chính là số phí giao dịch họ đã trả.

BSC đã tự định vị mình là một chuỗi khối toàn diện, phù hợp tất cả các loại dApps xây dựng trên đó, do đó nhu cầu về không gian khối và tiện ích của blockchain của nó luôn rất cao. Vì vậy, nếu nó không thể giành chiến thắng trong lĩnh vực phi tập trung hoặc khi so sánh về lợi nhuận, nhưng chắc chắn nó có thể giành chiến thắng trong lĩnh vực tiện ích.
Ethereum
Ethereum từ lâu đã được coi là blockchain phi tập trung thực sự, và đứng thứ 2 trong ngành về vốn hóa thị trường. Kể từ khi chuyển từ Proof of Work sang Proof of Stake, tốc độ burn ETH của nó cuối cùng đã vượt quá tốc độ lạm phát, khiến nó trở thành một blockchain giảm phát. Cùng với phí giao dịch đã thanh toán, nó chính thức là một blockchain có lợi nhuận.
Ethereum ở hữu một lượng dApp khổng lồ, với nhiều dApp có giá trị cao nhất trên blockchain của nó. Tất cả các bộ sưu tập NFT nổi tiếng, Uniswap, Sushiswap và nhiều ứng dụng nổi tiếng khác tạo thành nhu cầu rất lớn về không gian khối. Ngoài ra, Layer2 (L2) như Optimism, Arbitrum và Polygon… cũng sử dụng Ethereum làm lớp bảo mật và thanh toán cho các giao dịch của chúng. Những nền tảng Layer2 này đại diện cho loại khách hàng quy mô lớn mà các doanh nghiệp hy vọng có được – mặc dù ít nhưng chúng cũng đóng góp một phần lớn phí giao dịch cho blockchain của Ethereum.

Thời điểm hiện tại, có thể nói Ethereum là một blockchain thành công và có lợi nhuận khác. Chính vì vậy, nó luôn là “tấm gương” để các nền tảng blockchain khác hướng tới – và trở thành một trong những “Ethereum Killer”.
Kết luận
Như chúng ta đã thấy từ các ví dụ trên, các blockchain có thể sinh lãi hoặc không. Nhưng cũng nên nhớ rằng những gì đang xảy ra bây giờ có thể không phải lúc nào cũng đúng trong tương lai. Blockchain này có tiềm năng sinh lời không? Nếu nó vẫn không có lãi, điều đó có làm cho nó trở thành một khoản đầu tư tồi không?
Khả năng sinh lợi nhuận không phải là tất cả, như trong trường hợp của blockchain Bitcoin. Hoặc nếu blockchain nào đó trong tương lai, có thể mở rộng thêm dịch vụ của họ, thì biết đâu kết quả lợi nhuận sẽ thay đổi? Tóm lại, lợi nhuận blockchain chỉ là một trong nhiều yếu tố cần xem xét khi quyết định có nên đầu tư vào một dự án hay không. Miễn là nền tảng của dự án vững chắc, với trường hợp sử dụng thực tế có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực, thì cơ hội để dự án vượt lên dẫn đầu là có.
Chúc bạn sáng suốt và may mắn trong đầu tư.