Bitcoin kể từ khi được Satoshi Nakomot tạo ra năm 2009, mức độ phổ biến của nó đã tăng chóng mặt và thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới. Đặc biệt trong năm vừa qua, vốn hóa Bitcoin đã có thời điểm vượt mốc 1 nghìn tỷ USD, điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang tiền điện tử. Kể từ đó, họ dần coi Bitcoin như một kho lưu trữ giá trị, và còn đặt nó lên bàn cân để so sánh với vàng.
Thông thường, các nhà đầu tư sẽ lưu trữ tài sản của họ bằng tài sản, cổ phiếu, trái phiếu hoặc vàng. Vàng vốn được biết đến như một hàng rào bảo vệ an toàn chống lại lạm phát trong suốt thời gian dài. Nhưng hiện nay, Bitcoin ngoài việc có thể trở thành một phương tiện thanh toán thì rất nhiều người cũng coi Bitcoin như một phương pháp “tích sản”, lưu trữ giá trị của nó theo thời gian. Bitcoin theo đó đã trở nên nổi tiếng với danh hiệu “vàng kỹ thuật số”.
Vậy trong cuộc chiến giữa VÀNG vs BITCOIN, cái nào xứng đáng trở thành kho lưu trữ giá trị hơn? VÀNG và BITCOIN, nên đầu tư cái nào? Hãy cùng chúng mình đi vào phân tích ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
- 1 VÀNG vs BITCOIN – Nên đầu tư cái nào?
- 1.1 Kho lưu trữ giá trị là gì?
- 1.2 Tại sao VÀNG là một kho lưu trữ giá trị phổ biến?
- 1.3 Tại sao lại coi Bitcoin là kho lưu trữ giá trị?
- 1.4 Bitcoin VS Vàng – Cái nào tốt hơn?
- 1.4.1 BITCOIN vs VÀNG – An toàn
- 1.4.2 BITCOIN vs VÀNG – Thanh khoản
- 1.4.3 BITCOIN vs VÀNG – Tuổi thọ
- 1.4.4 BITCOIN vs VÀNG – Biến động giá
- 1.4.5 BITCOIN vs VÀNG – Sự khan hiếm
- 1.4.6 BITCOIN vs VÀNG – Tính phân tách
- 1.4.7 BITCOIN vs VÀNG – Tính di động
- 1.4.8 BITCOIN vs VÀNG – Sự chấp nhận
- 1.4.9 BITCOIN vs VÀNG – Quy định của Chính Phủ
- 1.5 TỔNG KẾT
VÀNG vs BITCOIN – Nên đầu tư cái nào?
Kho lưu trữ giá trị là gì?
Vàng và Bitcoin hiện đang cạnh tranh nhau trong danh hiệu “Kho lưu trữ giá trị” thay cho tiền tệ fiat. Thuật ngữ này bạn có thể hiểu đơn giản là: tài sản có thể thay thế và lấy lại được, mà không bị mất giá trị theo thời gian.
Nếu theo định nghĩa trên, rõ ràng tiền fiat là một kho lưu trữ giá trị vô cùng kém. Nó có thể hữu ích như một phương tiện trao đổi hàng ngày và là một cách để giữ thanh khoản ngắn hạn, nhưng nó không giữ giá trị tốt theo thời gian.
Đã có hơn 50 đợt siêu lạm phát được ghi nhận tại các hệ thống tiền tệ khác nhau trên toàn thế giới. Siêu lạm phát xảy ra khi tiền mất giá với tốc độ nhanh, khoảng 50% mỗi tháng. Còn lạm phát thông thường là một khái niệm rất phổ biến và hầu hết các quốc gia đều phải đều mặt. Ví dụ như đồng USD cũng đã mất 98% sức mua kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang được thành lập vào năm 1913.
Lạm phát là một công cụ tiêu chuẩn được các chính phủ trên thế giới sử dụng để kiểm soát lượng cung tiền. Các chính phủ giảm giá nhẹ đồng tiền của họ mỗi năm như một cách khuyến khích người dân tăng chi tiêu hoặc đầu tư, với hy vọng điều này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra nhiều việc làm hơn.
=> Điều này có nghĩa là tiền của bạn mất giá trị theo thời gian, vì vậy tốt nhất là nên cất giữ tài sản của bạn trong một tài sản có thể lưu trữ giá trị theo thời gian. Đó là lý do tại sao mọi người đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và các tài sản khác có khả năng tăng giá trị hoặc giữ nguyên giá trị của chúng theo thời gian. Tuy nhiên, những phương tiện đầu tư này vẫn phải trải qua những chu kỳ thị trường bùng rổ rồi suy thoái. Thế nên, một tài sản miễn nhiễm với các biến động của thị trường là điều quan trọng nhất, và VÀNG và BITCOIN nổi lên như 2 cái tên sáng giá trong cuộc chiến trở thành kho lưu trữ giá trị hiện nay.
Tại sao VÀNG là một kho lưu trữ giá trị phổ biến?
Trong hàng nghìn năm, vàng đã là kho lưu trữ giá trị chính của thế giới, tồn tại lâu hơn tất cả các hệ thống tiền tệ bây giờ. Các nhà đầu tư thường chuyển sang Vàng trong thời kỳ thị trường hỗn loạn, vì chúng không di chuyển theo phần còn lại của thị trường. Trên thực tế, giá trị của chúng thường tăng trong điều kiện thị trường bất lợi khi các nhà đầu tư chuyển tiền hàng loạt vào nó. Các nhà đầu tư coi chúng là “nơi trú ẩn an toàn” vì tính ổn định của nó. Ngay cả khi các nhà đầu tư không kiếm được lợi nhuận đáng kể, họ vẫn tự tin giữ lại giá trị tài sản của mình.
Con người cho rằng giá trị của kim loại màu vàng nằm ở một số lý do:
- Độ bền – vàng không bị ăn mòn hoặc xỉn màu và không thể bị phá hủy.
- Dễ tạo hình – vàng có thể được đúc và tạo hình cho các ứng dụng công nghiệp, tiền tệ và biểu tượng.
- Tính thẩm mỹ – vàng vĩnh viễn giữ được độ sáng, bóng và vẻ đẹp tự nhiên của nó.
Đặc biệt trong suốt lịch sử, vàng vẫn giữ nguyên những giá trị này của nó, chưa hề thay đổi. Trong khi đó, các nhà đầu tư hiện đại lại quan tâm đến một đặc tính độc đáo khác của vàng – đó chính là trở thành bảo hiểm rủi ro trước thị trường. Kim loại này tương quan nghịch với cổ phiếu, có nghĩa là nó có xu hướng hoạt động tốt khi thị trường chứng khoán giảm. Vàng cũng có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ lạm phát cao.
Tại sao lại coi Bitcoin là kho lưu trữ giá trị?
Không giống như vàng được sử dụng chủ yếu để làm đồ trang sức, tiền và một số linh kiện điện tử. Bitcoin không được sử dụng trong công nghiệp. Tuy nhiên, nó có thể được chấp nhận như một phương tiện trao đổi.
Bitcoin bắt đầu gây chú ý vào năm 2009 khi một người ẩn danh (hoặc một nhóm người) tên là Satoshi Nakamoto tạo ra một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số mới. Dưới đây là một số thuật ngữ chính bạn cần biết khi tìm hiểu về Bitcoin:
- Phi tập trung: Bitcoin không có cơ quan trung ương kiểm soát. Mạng lưới rộng lớn của bao gồm các nhà đầu tư, người dùng và thợ đào Bitcoin cùng kiểm soát nguồn cung và giá trị của tiền tệ.
- Blockchain: Tất cả các giao dịch Bitcoin được ghi lại trên một sổ cái phân tán được gọi là blockchain. Blockchain cho phép hai bên đồng ý về một giao dịch và ghi lại nó trong một chuỗi các điểm dữ liệu theo trình tự thời gian ngày càng mở rộng. Các giao dịch này không thể thay đổi hoặc chỉnh sửa. Sổ cái phân tán là mã nguồn mở (có sẵn công khai), vì vậy bất kỳ ai cũng có thể tự mình điều tra mã bất kỳ lúc nào.
- Peer-to-peer: Thông thường một trung gian, chẳng hạn như ngân hàng, phải giám sát các giao dịch tài chính. Nhưng blockchain sẽ loại bỏ nhu cầu về các bên trung gian như vậy và cho phép các trao đổi ngang hàng thực sự.
Bitcoin sở hữu tất cả những đặc điểm của blockchain. Nó không phải là công nghệ blockchain duy nhất, bởi hiện có hàng chục nghìn loại tiền điện tử đang tồn tại. Mặc dù vậy, Bitcoin dẫn đầu rõ ràng về vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch.
Bitcoin có thể trở là một kho lưu trữ giá trị – bởi vì nó bền và khan hiếm. Nguồn cung tổng thể của Bitcoin được giới hạn ở 21 triệu và sẽ không bao giờ nhiều hơn số lượng đó.
Ngoài ra, Bitcoin là một tài sản kỹ thuật số phi tập trung hoạt động mà không bị kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương hoặc chính phủ. Điều này mang lại cho người dùng Bitcoin một số mức độ riêng tư và cũng tăng tính bảo mật của nó. Một kho lưu trữ giá trị lý tưởng phải hoạt động như một phương tiện trao đổi để nó có thể được chuyển đổi khi cần thiết. Bitcoin có thể được trao đổi vì nó có thể thay thế, di động, có thể phân chia và được chấp nhận rộng rãi.
Bitcoin VS Vàng – Cái nào tốt hơn?
Có thể thấy, Vàng và Bitcoin đều được định vị để mang lại lợi nhuận và chống lại các loại tiền tệ fiat. Cả hai đều cho phép các nhà đầu tư “thoát khỏi hệ thống” của một tài sản mà các ngân hàng và chính phủ không thể can thiệp vào. Tuy nhiên, BITCOIN và VÀNG cũng khác nhau dưới nhiều góc độ. Dưới đây mình sẽ lần lượt đặt lên bàn cân 2 loại tài sản này trên khía cạnh cùng cạnh tranh để trở thành một kho lưu trữ giá trị:
BITCOIN vs VÀNG – An toàn
- Vàng: Có nhiều lựa chọn để các nhà đầu tư khiến vàng của họ trở nên an toàn. Họ có thể cất giữ vàng trong két sắt, gửi ngân hàng, hoặc thậm chí để dưới gối. Nói chung trừ khi bị trộm cắp, thì tính an toàn của vàng là vô cùng lớn, thậm chí nếu thế giới này kết thúc, thì vàng của chúng ta vẫn còn ở đó.
- Bitcoin: Bitcoin đã chứng tỏ mình là một trong những loại tiền điện tử an toàn nhất. Tuy nhiên, không có công nghệ nào là không thể sai lầm, và vũ trụ tiền điện tử vẫn diễn ra một số vụ hack, lừa đảo, gian lận. Nếu các nhà đầu tư muốn được bảo vệ hoàn toàn khỏi hành vi trộm cắp hoặc mất mát, họ phải thiết lập một ví lạnh, được ngắt kết nối với internet. Chỉ cần đừng quên mật khẩu.
BITCOIN vs VÀNG – Thanh khoản
- Vàng: Khi bạn muốn bán vàng của mình, luôn có người mua. Vàng là một trong những tài sản được giao dịch thường xuyên nhất trên thế giới, tính thanh khoản rất cao. Tất nhiên, việc bán vàng của bạn có thể khó khăn nếu bạn cất khư khư nó dưới gối. Nó cần phải giao dịch offline.
- Bitcoin: Bitcoin cũng là một tài sản rất thanh khoản rất cao, mà việc mua bán có khi còn dễ hơn vàng vì có thể mua bán giao dịch online, trên các sàn giao dịch nổi tiếng khắp thế giới, và giao dịch ngay lập tức.
BITCOIN vs VÀNG – Tuổi thọ
- Vàng: Lịch sử 5.000 năm với sức mua ổn định đã chứng minh rằng vàng không thể bị thay thế bởi một kim loại khác. Không có nguyên tố nào khác có chung đặc điểm riêng của vàng. Ngay cả các kim loại tiền tệ khác, chẳng hạn như bạc, bạch kim và palladium cũng không thế sánh được.
- Bitcoin: Bitcoin đã tồn tại đủ lâu để chứng minh hệ thống của nó sẽ hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, mặc dù các nhà đầu tư Bitcoin luôn tin rằng Bitcoin sẽ vẫn là tiền điện tử hàng đầu, nhưng công nghệ không ngừng cải tiến. Bitcoin có lợi thế là người đi đầu và có một lượng lớn người nắm giữ trung thành, nhưng về mặt lý thuyết, có một đối thủ cạnh tranh có thể thay thế Bitcoin.
BITCOIN vs VÀNG – Biến động giá
- Vàng: Vàng được tôn sùng vì độ biến động thấp. Thậm chí có một số nhà kinh tế cho rằng nên đo tất cả các mức giá tài sản so với vàng vì vàng là nguồn cơ bản nhất của giá trị tiền tệ. Giá vẫn có thể tăng và giảm nhanh chóng dựa trên nhu cầu thị trường, nhưng về lâu dài, vàng là một kho chứa của cải ổn định.
- Bitcoin: Tính biến động cao là một đặc điểm nổi bật của Bitcoin cùng nhiều đồng tiền điện tử khác. Bitcoin có thể có tiềm năng tăng giá lớn hơn nhiều so với vàng khi thị trường uptrend, nhưng đồng nghĩ nó cũng đi kèm với rủi ro giảm giá mạnh khi thị trường biến động.
Có thể thấy, % biến động giá vàng là khá thấp so với % biến động giá của Bitcoin. Trong lịch sử, Bitcoin đã được chứng minh là nó chịu tác động của các phương tiện truyền thông, tâm lý của nhà đầu tư, các tin tức cường điệu. Chỉ cần một tin tức từ lĩnh vực tiền điện tử cũng có thể khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và đưa ra quyết định nhanh chóng, khiến giá Bitcoin tăng hoặc giảm. Sự biến động ít xảy ra với vàng vì những lý do đã đề cập ở trên, khiến vàng trở thành tài sản an toàn trước các biến động của thị trường hơn.
BITCOIN vs VÀNG – Sự khan hiếm
Nếu một tài sản dễ kiếm được thì bạn sẽ dễ dàng tăng số lượng của nó. Tuy nhiên, kết quả là giá giảm mạnh, khiến nó trở thành một kho lưu trữ giá trị kém.
Mặt khác, khi nguồn cung của một tài sản bị hạn chế, nhu cầu ngày càng tăng sẽ làm tăng giá của tài sản, giữ lại và tăng giá trị của nó.
- Vàng: Tính khan hiếm là một trong những đặc tính quan trọng của vàng, giúp vàng có lợi thế hơn các kim loại và vật liệu khác để trở thành một kho lưu trữ giá trị. Nó tương đối hiếm, đắt tiền và tốn nhiều công sức để khai thác và xử lý. Do đó, không dễ để tăng nguồn cung vàng. Vì vậy, khi nhu cầu về vàng tăng, không dễ để tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu của thị trường. So với các kim loại khác như bạc và đồng, vốn dồi dào hơn và dễ khai thác hơn, vàng hiếm hơn. Điều này đã khiến vàng trở thành kho lưu trữ giá trị chủ đạo qua các thời đại.
- Bitcoin: Bạn có biết thứ gì còn hiếm hơn vàng không? Đó chính là Bitcoin. Trong khi vàng tương đối khan hiếm, thì Bitcoin lại hoàn toàn khan hiếm. Chỉ có 21.000.000 Bitcoin sẽ tồn tại và không có ai mới sẽ được khai thác sau năm 2140. Mặc dù vàng đã được khai thác trong nhiều thế kỷ, nhưng trái đất vẫn còn vàng để khai thác.
BITCOIN vs VÀNG – Tính phân tách
Góc độ này, ý mình là việc chúng có thể dễ dàng “chia nhỏ” thành các đơn vị bé hơn. Một kho lưu trữ giá trị nên dễ dàng chia thành các đơn vị nhỏ hơn để chuyển giao giá trị chính xác hơn. Và đây cũng chính là nhược điểm của vàng so với Bitcoin.
- VÀNG: Vàng là một kim loại dày đặc, vì vậy một lượng nhỏ vẫn thể hiện một lượng lớn giá trị. Điều này gây khó khăn cho việc chuyển các đơn vị giá trị nhỏ hơn, ngay cả với những đồng tiền vàng nhỏ. Đây là lý do tại sao tiền giấy trở nên cần thiết: nó giúp vàng dễ dàng phân chia thành các đơn vị nhỏ hơn, có thể trao đổi nhiều hơn. Nhưng tiền giấy không còn đại diện cho vàng, vì vậy vấn đề phân chia với vàng vẫn còn là thách thức. Ngoài ra, việc phân chia vàng đòi hỏi công sức – nấu chảy, cân, khảo nghiệm và đúc tiền mới.
- Bitcoin: Ngược lại, Bitcoin không có vấn đề như vậy so với vàng. Bitcoin thực sự có thể được chia vô hạn. Một phần triệu Bitcoin được gọi là Satoshi. Do đó, bất kể Bitcoin có giá trị như thế nào, bạn vẫn có thể sử dụng nó và mua một lít rượu bia yêu thích của mình.
BITCOIN vs VÀNG – Tính di động
- Vàng: Vàng là một kim loại dày đặc và rất nặng để mang theo. Việc vận chuyển một số lượng lớn rất tốn kém, gây bất tiện cho việc buôn bán đường dài. Đặc biệt, các quy định xuyên biên giới liên quan đến vàng làm cho nó hơi phi thực tế đối với thương mại quốc tế.
- Bitcoin: Bitcoin không có vấn đề gì về tính di động. Là một tài sản kỹ thuật số thuần túy, Bitcoin bất kể giá trị nào, đều có thể được lưu trữ trong một ổ cứng cỡ ngón tay cái hoặc thậm chí trong một trực tuyến và được truy cập ở mọi nơi trên thế giới có kết nối internet. Giao dịch Bitcoin nhanh chóng và không tốn kém. Bạn có thể di chuyển một cách an toàn một giá trị khổng lồ của Bitcoin trong vài phút với giá chưa đến một đô la. Điều này làm cho Bitcoin chiến thắng Vàng trong khía cạnh này.
BITCOIN vs VÀNG – Sự chấp nhận
Một tài sản có thể trở thành kho lưu trữ giá trị được hay không, nó phụ thuộc vào việc xã hội chấp nhận nó ở mức độ nào. Về khía cạnh so sánh Bitcoin và vàng này, vàng vượt trội hơn nhiều so với Bitcoin.
- Vàng: Mọi người thường có xu hướng coi trọng những thứ đã được coi là có giá trị trong một thời gian dài, và dĩ nhiên VÀNG xứng đáng là cái tên hàng đầu xứng đáng được nhắc tới. Vàng đã được coi là có giá trị từ thời cổ đại đối với hầu hết mọi nền văn minh nhân loại, và do đó có một sức hấp dẫn lớn. Ngoài ra, vàng có các ứng dụng thực tế, vì nó được sử dụng trong tiền đúc, đồ trang sức và điện tử.
- Bitcoin: Bitcoin đã xuất hiện được hơn một thập kỷ và mặc dù nó đã đạt được mức độ chấp nhận ấn tượng trong một thời gian ngắn, nhưng nó vẫn còn kém xa so với vàng. Đối với nhiều người, Bitcoin vẫn là một thị trường ngách và vẫn chưa hiểu được đầy đủ về Bitcoin.
Hiện tại, vàng có vốn hóa thị trường khoảng 11 nghìn tỷ đô la, trong khi vốn hóa thị trường của Bitcoin là gần 500 triệu đô la. Rõ ràng, vàng được chấp nhận trên toàn cầu nhiều hơn Bitcoin. Tuy nhiên, Bitcoin đang nhanh chóng trở nên phổ biến.
BITCOIN vs VÀNG – Quy định của Chính Phủ
- Vàng: Không có mối đe dọa nào từ Chính Phủ các quốc gia liên quan đến tính hợp pháp của vàng. Chính vì vậy Vàng luôn là một tài sản được chấp nhận chính thống, ở khắp mọi nơi trên thế giới.
- Bitcoin: Ý tưởng về một loại tiền tệ phi tập trung không phải là điều mà các Chính Phủ mong muốn. Nhiều quốc giá rất khắt khe trong điều này và đã đưa ra các chính sách bất lợi liên quan đến Bitcoin, từ quy định nghiêm ngặt đến lệnh cấm hoàn toàn ở một số nơi.
- Màu xanh lá cây (hợp pháp để sử dụng bitcoin)
- Màu vàng (một số hạn chế pháp lý đối với việc sử dụng bitcoin)
- Màu tím (đang tranh cãi về luật lệ, nhưng bitcoin không bị cấm trực tiếp)
- Màu đỏ (cấm hoàn toàn hoặc một phần)
- Xám (Không có dữ liệu).
TỔNG KẾT
Với việc các Chính Phủ một số nước in tiền và phá giá tiền tệ, Vàng và Bitcoin đã trở thành những hàng rào bảo vệ tuyệt vời chống lại tỷ lệ lạm phát tăng cao. Vàng đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ và vẫn là một vật lưu trữ giá trị tốt, một tài sản trú ẩn an toàn đáng tin cậy. Tuy nhiên, Bitcoin giống như đứa trẻ mới lớn, sở hữu điểm mạnh ở sự khan hiếm, khả năng phân chia và khả năng chuyển nhượng dễ dàng. Điều này đã định vị Bitcoin cũng có thể trở thành một lơi lưu trữ giá trị – ngang ngửa với Vàng.
Mặc dù vậy, tuy Bitcoin là loại tiền điện tử lâu đời nhất, lớn nhất, nhưng nó lại nằm trong một ngành công nghiệp đông đúc và có rất nhiều cạnh tranh. Có hàng nghìn loại tiền điện tử và hơn 100 loại sở hữu một tỷ đô la vốn hóa thị trường trở lên. Các loại tiền điện tử này trực tiếp cạnh tranh với Bitcoin về dòng vốn của nhà đầu tư và sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với Bitcoin, đặc biệt là trong dài hạn.
Còn xét trên khía cạnh đầu tư, thì:
- Vàng thích hợp cho những người thích an toàn, không đặt nặng vấn đề lợi nhuận cao, muốn tìm kiếm một tài sản có thể lưu trữ giá trị trước lạm phát và những rủi ro đến từ kinh tế, vĩ mô.
- Bitcoin phù hợp với những nhà đầu tư năng động hơn, muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, có thể chịu đựng được rủi ro, đặc biệt là trong thời điểm nền kinh tế, chính trị tốt. Bitcoin có xu hướng tương quan với thị trường chứng khoán.
Có lẽ cuộc chiến giữa Bitcoin và Vàng, giữa VÀNG THẬT và VÀNG KỸ THUẬT SỐ sẽ khó có hồi kết. Nó giống như trận chiến giữa một kỵ sĩ vàng có tuổi thọ 30 năm, hơi ngu ngốc, nặng nề, chậm chạp, dễ dự đoán, nhưng kiên cố bền bỉ, khó có ai có thể làm tổn thương; với một bên là một con rồng mạnh mẽ, thông minh, chuyển động nhanh như tốc độ ánh sáng. Rốt cuộc, ai trong hai người này sẽ thắng cuộc chiến này?
Còn dưới góc độ là một nhà đầu tư thông minh, thì đa dạng hóa danh mục đầu tư luôn là một ý tưởng rất tốt. Cả vàng và tiền điện tử sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tương lai tài chính của những người đủ dám đầu tư vào một hệ thống tiền tệ mới – một hệ thống tiền tệ được củng cố bởi quá khứ và chuẩn bị cho tương lai.
– DAUTU.IO –