Với tình trạng lạm phát tràn lan đang diễn ra trên khắp thế giới, một trong những cách thường được sử dụng để kiềm chế lạm phát đó là lãi suất. Đây là một trong số ít các công cụ có sẵn để giảm nhu cầu, cân bằng lại với cung. Lãi suất có tác động trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy chúng mình mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu được tác động của lãi suất đến hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế như thế nào, từ đó có thể tận dụng “lãi suất” để có chiến lược đầu tư phù hợp.
Nội dung
Phân tích ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế
Tại sao lãi suất lại quan trọng?
Trước khi chúng ta đi sâu vào để hiểu tầm quan trọng của lãi, hãy bắt đầu với những điều cơ bản.
Lãi suất là chi phí của việc đi vay tiền, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm của số tiền vay.
Lãi suất là thứ gắn kết người VAY – ĐI VAY. Khối lượng cho vay và đi vay phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất. Để nền kinh tế phát triển lành mạnh, cần phải có một mức độ nhất định cho vay và đi vay xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào. Mọi người có thể vay tiền để đầu tư, kinh doanh, mua sắm… Điều này sẽ tạo ra “cầu đi vay”, mà có cầu thì ắt sẽ có cung.
Lãi suất có liên quan chặt chẽ đến giá trị đồng tiền của một đất nước, cụ thể:
- Lãi suất tăng => Tăng giá trị của đồng tiền.
- Lãi suất giảm => Giảm giá trị của đồng tiền.
Ảnh hưởng của lãi suất đến từng đối tượng
Lãi suất ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, đến nhiều đối tượng khác nhau trong nền kinh tế theo mức độ khác nhau. Vì vậy để tìm hiểu ảnh hưởng của lãi suất, chúng mình sẽ phân nó ra theo từng đối tượng:
Lãi suất và người tiêu dùng
Là một người tiêu dùng, lãi suất ảnh hưởng đến các quyết định tài chính mà chúng ta đưa ra, chủ yếu là chúng ta sẽ gửi tiết kiệm hay đi vay.
- Lãi suất thấp khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiền của mình vào chi tiêu hoặc đầu tư.
- Lãi suất cao khiến hạn chế chi tiêu, và chuyển sang tiết kiệm nhiều hơn là điều không cần bàn cãi.
Khi chúng ta chi tiêu, tiền sẽ luân chuyển trong nền kinh tế, chuyển từ tay này sang tay khác. Khi chúng ta tiết kiệm, tiền sẽ được gửi vào ngân hàng hoặc được đầu tư.
Điều quan trọng cần lưu ý là tiền không chỉ nằm trong ngân hàng như một khoản tiền gửi. Ngân hàng sẽ sử dụng nó để cho người khác vay. Tuy nhiên, lãi suất cao dẫn đến việc vay ít hơn, làm giảm khả năng tiền được cho vay, và dĩ nhiên – tiền sẽ ít tiền luân chuyển trong nền kinh tế hơn.
Những người đang mang một số loại nợ được khuyến khích trả hết nợ càng nhanh càng tốt khi lãi suất cao. Trong khi đó, lãi suất thấp sẽ khiến mọi người chưa gấp gáp việc trả nợ, vì họ cảm thấy rằng tiền được sử dụng ở nơi khác tốt hơn là để trả nợ.
Lãi suất và doanh nghiệp
Là một chủ doanh nghiệp, các quyết định kinh doanh thường xoay quanh các yếu tố có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn hoặc cắt giảm chi phí. Ảnh hưởng của lãi suất đến doanh nghiệp là khá lớn – đôi khi nó còn được coi là bàn tay vô hình dẫn đường cho doanh nghiệp.
- Khi lãi suất thấp: sẽ thúc đẩy DN mở rộng hoạt động SXKD, mua thêm thiết bị mới, thuê thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai. Lãi suất thấp sẽ khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều tiền cho hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp => nảy sinh thêm nhu cầu. Ngoài ra, các công ty niêm yết thậm chí có thể thấy giá cổ phiếu của họ tăng do lợi nhuận tốt.
- Khi lãi suất cao: Lãi suất cao còn khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, dẫn đến nhu cầu giảm, khiến hình hình kinh doanh của DN sẽ xấu đi. Ngoài ra, đối với các DN vay nợ họ sẽ muốn thanh toán các khoản nợ hiện có càng nhanh càng tốt mà không ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận, bởi vì phải trả nhiều tiền hơn để trả nợ. Có trường hợp DN còn không đủ khả năng thanh toán nợ. Khi điều này xảy ra, họ có thể phải tìm cách cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc cho nhân viên nghỉ việc.
Lãi suất và nhà đầu tư
Các nhà đầu tư coi tiền như một sản phẩm và chi phí của tiền là lãi suất. Vì vậy nếu đi đầu tư, họ sẽ muốn tìm các khoản đầu tư nào mà có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn so với lãi suất của việc gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu chính phủ.
Ví dụ: Nếu lãi suất trái phiếu là 2%, và nhà đầu tư muốn nhận được ít nhất 4% từ cổ phiếu, thì tổng tỷ suất sinh lợi mà họ cần là 6%.
Vì vậy, nếu lãi suất càng cao, thị trường đầu tư sẽ càng trở nên khó khăn (vì phải lựa chọn được đâu sẽ đem lạu lợi nhuận nhiều hơn so với tiền gửi). Thế nên bạn sẽ thấy khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn là đem đi đầu tư.
Mặc dù có nhiều người vẫn lựa chọn đầu tư, nhưng rủi ro đối với họ là rất lớn. Ví dụ như đầu tư cổ phiếu – trong thời điểm lãi suất tăng – lợi nhuận của DN sẽ bị giảm, và sẽ phần nào ảnh hưởng ít nhiều đến giá cổ phiếu. Chính vì vậy, việc cân nhắc hình thức đầu tư/lựa chọn cổ phiếu nào phù hợp trong thời kỳ lãi suất tăng là vô cùng quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào.
Ảnh hưởng của lãi suất dưới góc độ QUỐC GIA
Giờ chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của lãi suất dưới góc độ lớn hơn – đó chính là từng quốc gia. Về bản chất, có ba lĩnh vực chính cần quan tâm:
Lãi suất và Ngân hàng Trung Ương
Ngân hàng trung ương có thể coi là ngân hàng của các ngân hàng, có quyền quyết định lãi suất. Lãi suất do NHTW quyết định sẽ được áp dụng cho các khoản tiền vay/trả khi vay tiền từ NHTW. Nhưng các ngân hàng cấp dưới sẽ dựa vào mức lãi suất này để quyết định mức lãi họ sẽ cung cấp cho người cho vay/đi vay.
- NHTW tăng lãi: các NHTM cũng sẽ tăng lãi theo, từ đó khuyến khích người tiêu dùng gửi tiền vào ngân hàng. Tác động của việc này là đưa tiền ra khỏi lưu thông của nền kinh tế, do đó làm giảm lượng tiền có thể sử dụng. Ít tiền trôi nổi đồng nghĩa với việc ít tiền chạy theo hàng hóa hơn, do đó giá cả đi xuống và lạm phát được kiểm soát. Hầu hết các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng ý rằng tốt hơn hết là nên tránh né lạm phát, do đó tỷ lệ lạm phát 2% là mục tiêu chung của các NHTW.
- NHTW giảm lãi: các NHTM cũng sẽ giảm lãi theo. Nếu lãi suất quá thấp, nó có thể có lợi cho nền kinh tế khi người dân chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến việc chi tiêu quá mức, vay quá nhiều. Nếu không kiểm soát được, có thể dẫn đến lạm phát – thậm chí là khủng hoảng nợ (có thể tham khảo về khủng hoảng nợ Evergrande của Trung Quốc).
Nói về NHTW nổi tiếng nhất thế giới – đó chính là FED – Cục dữ trữ liên bang Mỹ. Mọi quyết định tăng giảm lãi suất của FED đều là những tin tức có tác động rất lớn đến thị trường tài chính toàn cầu. Tham khảo:
Bên cạnh lãi suất, thì còn một cách khác để NHTW giữ cho nền kinh tế ổn định là họ có thể in thêm tiền. In tiền sẽ làm làm tăng lượng tiền mặt lưu thông. Trong khi đó, hầu hết hàng hóa không được sản xuất nhanh chóng như thời gian cần để có thêm tiền xuất hiện trong nền kinh tế. Cuối cùng, sẽ đến lúc có nhiều tiền mặt hơn để thanh toán mọi thứ. Đây là cách lạm phát xảy ra.
Nền kinh tế vận hành trơn tru như thế nào một phần lớn bị ảnh hưởng bởi các quyết định của ngân hàng trung ương. Điều làm cho công việc của NHTW trở nên khó khăn là làm thế nào để đạt được sự cân bằng tối ưu để không có quá nhiều hoặc quá ít tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Lãi suất cao có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, nhưng lãi suất quá thấp lại làm cho lạm phát tăng lên.
Lãi suất và tiền tệ Fiat
Tiền tệ Fiat là đồng tiền chính của một quốc gia. Nó là VNĐ, là USD, là EUR, là BATH, là JPY… Mỗi quốc gia có đồng tiền riêng họ, có giá trị trong đất nước đó, và hầu như vô dụng bên ngoài biên giới (trừ khác đồng tiền phổ biến như USD, EUR – chúng ngoại lệ).
Thời kỳ đầu, tiền tệ Fiat được hỗ trợ bởi vàng – nó sẽ có tác dụng như một tờ giấy, có thể quy đổi ra vàng bất kỳ lúc nào. Nhưng khi chế độ bản vị vàng được bãi bỏ, điều hỗ trợ tiền tệ là sức mạnh kinh tế của chính phủ. Sức mạnh cho Nhà nước là khả năng thiết lập các chính sách kinh tế hợp lý, giữ nợ quốc gia ở mức có thể kiểm soát được và đảm bảo sự lành mạnh của thị trường trái phiếu chính phủ. Ngoài những cân nhắc về kinh tế, các yếu tố khác như khả năng bảo vệ và công dân của nó cũng được xem xét.
Ngày nay, đồng nội tệ của một quốc gia cũng đã trở thành một sản phẩm được kinh doanh giao dịch trên thị trường – còn gọi là thị trường ngoại hối (Forex – viết tắt của Foreign Exchange). Việc mua và bán tiền tệ là một hoạt động kinh doanh hàng nghìn tỷ đô la và lãi suất đóng một vai trò lớn ở đây. Mỗi giao dịch luôn liên quan đến một cặp tiền tệ vì bạn cần một loại tiền này để mua một loại khác. Mục đích của của những người tham gia giao dịch là: mua một loại tiền có lãi suất cao so với một loại tiền có lãi suất thấp và kiếm được tiền lãi hàng ngày giữa sự chênh lệch.
Điều gì làm cho một loại tiền tệ được coi là lãi suất cao hay thấp cũng liên quan đến tiền tệ của các quốc gia khác. Vì vậy, ngoài việc tập trung vào sức khỏe của đất nước mình, mọi người cũng luôn chú ý đến các quốc gia khác trong việc họ đặt ra lãi suất ra sao. Điều này là do các quốc gia cũng cạnh tranh để đầu tư tiền mặt nước ngoài với nhau. Để thu hút đầu tư nước ngoài, tỷ giá được hạ xuống, làm cho đầu tư vào quốc gia đó trở nên hấp dẫn. Ngược lại, tỷ giá được nâng lên để ngăn dòng tiền chảy ra khỏi đất nước.
Lãi suất và thương mại toàn cầu
Tất cả các quốc gia xuất nhập khẩu hàng hóa với nhau. Những gì họ nhập khẩu không nhất thiết phải là những gì họ không có hoặc không sản xuất được, mà có thể là những gì họ sản xuất có thể được bán với giá cao hơn và họ có thể nhập hàng hóa rẻ hơn để sử dụng trong nước. Có nhiều quốc gia nhập siêu, nhưng cũng có quốc gia xuất siêu.
- Các quốc gia tập trung vào nhập khẩu cần tiền tệ của họ ở mức cao để hàng hóa họ mua sẽ rẻ hơn.
- Các quốc gia tập trung vào xuất khẩu lại thích đồng tiền của họ rẻ, như vậy họ có thể được lợi khi bán hàng hóa cho nước khác và thu ngoại tệ về (bởi ngoại tệ sẽ có giá trị hơn).
Lúc này, chúng ta cần nói đến đồng tiền dự trữ của thế giới, đó là đô la Mỹ (USD). Vì nhiều giao dịch được thực hiện bằng cách sử dụng đô la Mỹ giữa các quốc gia, một loại tiền tệ càng gần với đô la Mỹ thì đồng tiền đó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là một tin vui cho các nhà nhập khẩu nhưng lại là một tin xấu cho các nhà xuất khẩu.
-
Các quốc gia tăng giá yếu so với đồng đô la Mỹ: họ cần phải sử dụng nhiều hơn tiền tệ của chính họ để mua hàng hóa cho công dân của họ. Nhưng nếu họ là nước xuất khẩu nhiều, họ có lợi ích trong việc giữ cho đồng tiền của mình yếu so với đồng đô la để sản phẩm của họ dễ bán hơn cho các nước khác.
-
Các quốc gia có đồng tiền mạnh so với đồng đô la Mỹ: họ thường có xu hướng mua nhiều hơn vì nó có thể được coi là một hình thức giảm giá – tiền của họ mua được nhiều thứ hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một sự cân bằng mong manh vì nó cũng sẽ làm cho hàng nhập khẩu của chính họ trở nên đắt đỏ.
Điều rõ ràng là mọi quốc gia phải có số dư USD hợp lý trong ngân khố quốc gia của họ. Trong trường hợp xấu nhất, bạn gặp phải tình huống như Sri Lanka, nơi kho bạc quốc gia không có đủ đô la Mỹ để mua nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác – và mọi thứ đã trở nên tồi tệ
Sức mạnh của đồng đô la Mỹ (USD) được xác định bởi lãi suất do FED quy định. Đồng đô la Mỹ mạnh cũng gây khó khăn cho các quốc gia trả nợ cho các quốc gia khác. Mỹ cũng không ngoại lệ – mặc dù Mỹ là chủ nợ của nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng khi Mỹ tăng lãi suất thì người dân/doanh nghiệp Mỹ cũng phải lo lắng về các khoản nợ của chính họ.
Nói về các loại tiền dự trữ trên thế giới, cũng đã có một số cuộc tranh luận gay gắt về một loại tiền tệ khác thay thế đồng đô la Mỹ – và Bitcoin đang được nhắc đến như một cái tên sáng giá. Chúng mình sẽ phân tích về việc Bitcoin có thể trở thành tiền tệ dữ trữ thế giới không ở một bài viết khác.
Ảnh hưởng của lãi suất đến các hình thức đầu tư
Lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các hình thức đầu tư. Trước hết, nó ảnh hưởng đến số tiền đầu tư. Lãi suất càng cao, càng ít tiền danh cho đầu tư.
Trong một nền kinh tế phát triển mạnh, được đánh dấu bởi lạm phát thấp và đảm bảo việc làm cao, mọi người có xu hướng đầu tư nhiều hơn vì có nhiều tiền mặt dùng một lần hơn. Dĩ nhiên, điều ngược lại cũng đúng. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn ba lĩnh vực đầu tư chính bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự tăng và giảm của lãi suất.
Lãi suất và thị trường chứng khoán
Lãi suất ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán theo hai cách: thông qua giá cổ phiếu và thông qua tác động lên các nhà đầu tư.
Bạn có thể nhận thấy rằng bất cứ khi nào lãi suất tăng được công bố, thị trường chứng khoán thường sẽ bị sụt giảm. Mức độ giảm mạnh như thế nào phụ thuộc vào việc thị trường có dự đoán được mức tăng hay không. Nếu mọi người đều mong đợi mức tăng 1% và thông báo cho biết 1,5%, mức giảm sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu mức tăng lãi suất thực tế ít hơn dự kiến, thị trường chứng khoán có thể vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí có một đợt phục hồi nhỏ. Điều này là do tín hiệu được đưa ra cho thấy mọi thứ không tệ như mong đợi, do đó không cần phải tăng quá nhiều.
Khi lãi suất cao, vay tiền trở thành một hoạt động tốn kém. Các công ty cần thu được nhiều lợi nhuận hơn để trả các khoản nợ của họ. Điều này làm cho nó ít lợi nhuận hơn cho các nhà đầu tư. Các cổ phiếu tăng trưởng cao, bao gồm các công ty nhỏ, công ty khởi nghiệp và các công ty sử dụng vốn vay để thúc đẩy tăng trưởng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng thời, lãi suất cao làm giảm nhu cầu, do đó tạo ra ít hoạt động kinh doanh hơn cho các công ty, đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu không tăng nhiều. Một tin xấu khác cho các nhà đầu tư.
Các công ty lớn hơn, lâu đời hơi có thể chống chọi với lãi suất cao tốt hơn. Các khoản nợ của họ vẫn có thể thanh toán được mà không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận. Có thể họ vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng chắc chắn sẽ ít hơn so với các công ty vay nợ với đòn bẩy cao.
Thật kỳ lạ, mặc dù hầu hết mọi người đều quen thuộc với câu thần chú “mua thấp, bán cao”. Nhưng khi giá cổ phiếu giảm, họ lại không sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Có thể họ cũng đang “bận trả lợi”, nhưng một phần nào đó họ cũng bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi (FUD). Khi cổ phiếu bắt đầu giảm trong môi trường lãi suất cao, không ai muốn mua quá sớm vì họ đang chờ đợi đáy. Khi nào thì đến đáy? Không ai biết.
Không chỉ vậy, người ta còn lo sợ rằng một số doanh nghiệp có thể không tồn tại được. Điều này làm cho các nhà đầu tư ít có xu hướng đầu tư vào chúng. Tuy nhiên, chính những thời điểm này – mới là lúc người ta có thể nhìn thấy xương sống thực sự của một công ty. Những người thực sự tin tưởng vào khả năng của công ty trong việc vượt qua những cơn bão khắc nghiệt, bỏ tiền vào mua cổ phiếu tại thời điểm này – sẽ có thể nhận được lợi nhuận tuyệt vời khi cơn bão đi qua. Nhưng về phía các công ty – họ cũng sẽ phải chứng minh rằng họ có những gì cần thiết để niềm tin đó không bị đặt nhầm chỗ.
Cảm xúc dao động FOMO và FUD thể hiện cực rõ khi cãi suất đang tăng nóng. Biểu đồ Chỉ số Sợ hãi và Tham lam đã tóm gọn toàn bộ câu chuyện.
Lãi suất và thị trường trái phiếu
Bất kỳ đề cập nào đến thị trường trái phiếu thường gợi nhớ đến một trong hai: trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các công ty tư nhân phát hành. Bất kể là cái nào, thì trái phiếu thường hoạt động khá tốt trong môi trường lãi suất cao. Điều này là do lợi tức trái phiếu tăng theo lãi suất, và trái phiếu cũng được coi là một giải pháp đầu tư an toàn hơn so với cổ phiếu.
- Trái phiếu chính phủ là khoản đầu tư không có rủi ro nhất mà bạn có thể thực hiện. Về cơ bản, bạn đang cho chính phủ vay tiền và nó hứa hẹn sẽ trả lại cho bạn dựa trên thời gian xác định trước bao gồm một số khoản lãi. Đây là một yếu tố quan trọng nên có trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư, đại diện cho phần an toàn trong các khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, với lãi suất trước năm 2022, trái phiếu không được coi là một khoản đầu tư khủng khiếp vì chúng không mang lại lợi nhuận quá cao. Đôi khi, có còn đem đến “thiệt hại” cho các danh mục đầu tư thận trọng hơn. Khi lãi suất bắt đầu tăng, trái phiếu sẽ được hưởng lợi, vì mọi người coi đây là một nơi tốt để gửi tiền mặt.
- Trái phiếu của công ty tư nhân: đối với loại trái phiếu này – câu chuyện lại hơi khác. Thay vì cho chính phủ vay tiền, bạn đang cho công ty vay. Dù được lợi, nhưng hãy nhớ rằng giá của trái phiếu không phải là về sự tăng trưởng trong tương lai của công ty phát hành chúng, mà là lãi suất của trái phiếu trả. Sự tăng trưởng của công ty là quan trọng, nhưng nó cũng gắn liền với rủi ro công ty không thể hoàn trả khoản vay trong thời hạn đã định. Nhiều bài học về trái phiếu đáo hạn mà không có khả năng hoàn trả đã và đang là bài học cho nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua.
Lãi suất và thị trường tiền điện tử
Tiền điện tử đại diện cho một trong những công nghệ tài chính mới nhất có thể mang lại những cải tiến với tiềm năng cải thiện cách xã hội vận hành như chúng ta biết. Bản thân điều đó đã là mảnh đất màu mỡ để đầu cơ sinh sôi và phát triển mạnh. Nhưng hiện tại, tiền điện tử luôn được coi là tài sản có tính rủi ro cao nhất hiện nay. Mặc dù không rõ nguyên nhân, nhưng đại đa số mọi người vẫn coi tiền điện tử giống đầu cơ hơn là đầu tư.
Tất nhiên, việc lãi suất ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử sẽ tương tự theo cách nó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. (Thế nên mình sẽ không nói nhiều ở phần này). Khi lãi suất cao, ham muốn đầu cơ bị giảm bớt. Còn khi lãi suất giảm, mọi người cảm thấy như họ không còn gì để mất, do đó sẵn sàng tham gia vào các hoạt động rủi ro hơn.
Lãi suất và thị trường bất động sản
Lãi suất cũng đóng một yếu tố chính trong thị trường bất động sản. Để nói về nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng, có thể gói gọn ở 3 lý do sau:
- Khi lãi suất giảm, mọi người được khuyến khích vay tiền nhiều hơn, có thể có vốn để dễ dàng mua nhà/mua đất hơn ⇒ nhu cầu tăng (1).
- Khi lãi suất giảm, mọi người cũng mua sắm tiêu dùng nhiều hơn, các doanh nghiệp cũng tích cực đi vay để sản xuất kinh doanh ⇒ kích thích nền kinh tế tăng trưởng, GDP tăng (2).
Có thể thấy, 2 nguyên nhân chính đều chịu ảnh hưởng lớn từ lãi suất. Việc một quốc gia duy trì chính sách lãi suất thấp sẽ là một trong yếu tố quan trọng thúc đẩy bất động tăng giá.
Tuy nhiên, đặc thù của bất động sản nó cũng khác nhiều so với các loại hình đầu tư khác. Vì vậy, có thể lãi suất giảm sẽ kích thích nhu cầu mua đất, nhưng lãi suất tăng chưa chắc giá đất sẽ giảm. Đánh giá ảnh hưởng của lãi suất đến bất động sản phức tạp hơn nhiều, và nó còn phụ thuộc lớn vào chính sách BĐS của từng quốc gia đó.
Đọc thêm: Chính sách bất động sản và sự thịnh vượng của quốc gia
TÓM LẠI:
Một trong những yếu tố vô hình làm ảnh hưởng đến chúng ta trong thời hiện đại là lãi suất. Những gì chúng ta thấy dưới dạng lãi suất ngân hàng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều chịu ảnh hưởng của nó vì nó là chi phí của tiền. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta được định hình bởi lãi suất, cho dù chúng ta có thích điều đó hay không. Vì vậy, để có thể theo kịp cuộc chơi của “lãi suất”, hãy nắm rõ những ảnh hưởng của lãi suất đến mọi khía cạnh của nền kinh tế ra sao – từ đó bạn sẽ có được những ứng biến phù hợp trước những giai đoạn lãi suất biến động.