Bạn đã biết về phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản trong đầu tư coin? Tuy nhiên còn một phương pháp phân tích quan trọng không kém, luôn đồng hành song song cùng 2 phương pháp trên đó chính là phân tích dựa vào dữ liệu On-Chain. Nhưng cụ thể dữ liệu On-Chain là gì? Nó gồm những gì? Lấy dữ liệu On-Chain ở đâu? Phân tích thế nào cho đúng? Hãy cùng chúng mình đi tìm hiểu chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Phân tích dữ liệu On-Chain là gì?
On-Chain là gì?
On-chain là những dữ liệu nằm trên mạng lưới Blockchain, bao gồm thông tin của tất cả các giao dịch đã xảy ra trên một mạng Blockchain nhất định. Thông qua On-Chain, bạn sẽ biết được nhiều dữ liệu minh bạch, chính xác nhất về tất cả các giao dịch của mọi người trên thị trường.
Dữ liệu On-Chain gồm những gì? Vì blockchain là nơi lưu lại hết các giao dịch, chính vì vậy căn cứ vào dữ liệu On-Chain, bạn có thể biết được:
- Dữ liệu về các Block (thời gian, phí gas, miner,…).
- Khối lượng giao dịch từ các ví, các sàn.
- Lượng sở hữu từ các ví cá mập, ví cá nhân.
- Thông tin về lượng tiền, lượng token được đẩy/rút khỏi các sàn.
- Thông tin về dòng tiền cụ thể.
- Thông tin về hành động của các thợ đào.
- Các thông tin về TVL, về các hợp đồng thông minh.
- …….
Bất kỳ ai có hành động trên blockchain, thì hành động đó được xác minh bởi các node và sẽ được cập nhật vào mạng blockchain tổng. Phân tích dữ liệu On-Chain là khá mới và hoàn toàn khác với phân tích kỹ thuật. Nhưng dựa vào nó, bạn có thể nhìn ra tình hình hiện tại và cả quá khứ của blockchain đó, để từ đó có những quyết định đầu tư phù hợp mà không cần đến các chỉ báo kỹ thuật.
Ví dụ: Mọi người đều biết về sự sụp đổ vào ngày 19/5 khi BTC giảm từ 37.000 đô la xuống còn 29.000 đô la. Nhưng nếu bạn nhìn vào dữ liệu On-Chain, 253.729 BTC đã được gửi lên các sàn giao dịch tập trung. (Exchange Inflow – là dòng tiền mà các nhà đầu tư chuyển từ ví cá nhân của họ sang các ví Spot trên sàn giao dịch). Tức là đã có nhiều nhà đầu muốn bán token/coin mà họ đang nắm giữ (hold), nên họ phải chuyển lên sàn để bán. Và chính vì vậy, giá BTC giảm.
Có thể khẳng định, dữ liệu On-chain là dữ liệu trung thực và minh bạch nhất. Bởi
Biểu đồ có thể được “VẼ”
Tin tức có thể được “MUA”
Nhưng dữ liệu On-chain không thể làm “GIẢ”
Các chỉ số phân tích dữ liệu On-chain phổ biến nhất
Phân tích On-chain rất rộng bởi những dữ liệu blockchain ghi lại vô cùng đa dạng, và không có một quy chuẩn nhất định nào về phân tích dữ liệu On-chain. Tuy nhiên dưới đây là một số thông tin/chỉ số theo mình đánh giá là quan trọng và dễ tra cứu nhất mà bạn có thể tham khảo:
- Total Value Locked (TVL): Hiểu đơn giản đây số tài sản đang được staking trong một giao thức DeFi. Thông qua khối lượng TVL trong mạng lưới, nếu TVL càng cao chứng tỏ dự án đó rất tốt, được nhiều nhà đầu tư sử dụng và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
- Thông tin ví team Dev, Investor, Miner: Hầu hết các thông tin này sẽ được công khai. Thông qua thông tin này, bạn có thể biết được đội ngũ phát triển, nhà đầu tư có gom, xả token không? Qua đó đánh giá được có nên đầu tư hay không? Hoặc những đồng coin đào như BTC thì cần quan tâm tới cả ví của những Miner (thợ đào), bởi hành vi mua bán của họ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.
- Lượng token đẩy lên các sàn: Với dữ liệu on-chain này, khi một token liên tục được đẩy lên các sàn giao dịch tập trung như Binance, Coinbase… thì rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một đợt điều chỉnh hoặc tệ hơn là một đợt bán tháo. Trong khi đó, nếu token đó được rút ra khỏi sàn nhiều thì sẽ là tín hiệu tích cực.
- Lượng Stablecoin được đẩy lên các sàn: Tuy nhiên, với stablecoin thì ngược lại, vì khi stablecoin trên sàn có sẵn thì là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào thị trường tích cực, nhiều nhà đầu tư đang sẵn sàn “bắt đáy” hoặc “chuẩn bị mua vào”. Ngược lại, nếu stablecoin được rút ra nhiều chứng tỏ nhà đầu tư đang rất tiêu cực.
- Số địa chỉ ví hoạt động: Số lượng các địa chỉ ví tăng lên là dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường và tiền điện tử đang được quan tâm nhiều hơn. Từ đó dẫn tới giá tài sản tiền điện tử có khả năng sẽ tăng lên. (Lưu ý là chỉ xét các ví đang hoạt động, nghĩa là có số dư trong tài khoản lớn hơn 0). Còn khi số lượng ví hoạt động giảm xuống chứng tỏ ngày càng ít người tham gia vào thị trường, dẫn đến khả năng biến động giá theo chiều hướng đi xuống.
- Lượng coin các holder nắm giữ: Phân tích on-chain có thể kiểm tra khoảng thời gian mà một địa chỉ chưa chuyển tiền điện tử và số lượng nhà đầu tư hold tiền điện tử. Nếu số lượng coin của các nhà đầu tư hold tiền điện tử tăng lên, thì điều đó có thể có nghĩa là cung của tiền điện tử đó trên thị trường sẽ giảm, và sẽ thúc đẩy tăng giá nếu nhu cầu không đổi.
- Mức độ phân bổ token: Cái này sẽ cho bạn biết phần lớn coin/token đang nằm trong tay ai? Cá mập hay các nhà đầu tư cá nhân? Ví dụ một tài sản có một vài địa chỉ nắm giữ % lớn tổng lượng token, thì chứng tỏ nó dễ bị thao đúng giá. Vì vậy, việc phân tích mức độ sở hữu của các token holder lớn cũng rất quan trọng.
- Theo dõi ví của các “cá mập”: Dựa vào những dữ liệu on-chain bạn có thể theo dõi những ví nắm giữ số tài sản lớn (cá mập). Hãy xem họ đang bán tháo hay gom thêm đồng coin nào, dựa vào đó bạn có thể ra những quyết định đầu tư cho bản thân mình.
- Tỷ lệ LONG/SHORT trên các sàn: Đối với các bạn chơi Futures thì tham khảo dữ liệu này rất quan trọng. Nó sẽ là căn cứ để bạn biết các nhà đầu tư khác đang LONG hay SHORT nhiều hơn. Mặc dù nó không là căn cứ cụ thể cho dự đoán hay phân tích nào, nhưng nó sẽ giúp bạn nhận biết được tâm lý và xu hướng thị trường trong ngắn hạn, từ đó ra quyết định đầu tư phù hợp.
*** Lưu ý phân tích On-Chain còn rất nhiều dữ liệu/chỉ số khác. Tùy thuộc vào nhu cầu phân tích mà bạn lựa chọn những tiêu chí cho phù hợp. Trên đây mình chỉ giới thiệu những chỉ số đơn giản và phổ biến nhất. Sau này khi đã phân tích thành thạo và làm quen với nhiều công cụ hỗ trợ phân tích, bạn sẽ biết thêm được nhiều chỉ số phân tích dữ liệu On-Chain khác ****
Các website hỗ trợ phân tích dữ liệu On-chain
Bạn đã tìm hiểu về dữ liệu On-Chain là gì cũng như một số chỉ số cần thiết trong phân tích On-Chain? Tuy nhiên việc khó nhất đó chính là tìm xem dữ liệu On-Chain ở đâu? Thật may là có nhiều website hỗ trợ bạn rất tốt trong vấn đề này. Có một số website miễn phí, nhưng cũng có một số website đòi hỏi trả phí mới có thể tra cứu. Tùy theo nhu cầu bạn có thể lựa chọn nơi tra cứu dữ liệu On-Chain phù hợp.
Dưới đây là những website bạn có thể đùng để xem dữ liệu On-Chain phổ biến nhất:
Coinmarketcap.com
Website này quá nổi tiếng, hầu như những bạn nào đầu tư tiền điện tử cũng đều biết. Tuy nhiên nhiều bạn không hề biết rằng Coinmarketcap cũng hỗ trợ bạn tra cứu một số dữ liệu On-Chain vô cùng hữu ích, và đặc biệt là nó miễn phí.
Với Coinmarketcap, bạn có thể sử dụng để xem các tiêu chí về:
- Chi tiết về các địa chỉ ví nắm giữ
- Lượng coin các holder và cá mập nắm giữ
- Mức độ phân bổ về token
Defillama.com
Nếu bạn nào đang quan tâm về các dự án Defi, thì một website vô cùng hữu ích để phục vụ bạn phân tích On-Chain đó chính là Defillama. Đây là một trang tổng quan minh bạch cho DeFi, dữ liệu vô cùng chính xác và minh minh bạch. Nó liệt kê các dự án DeFi từ tất cả các blockchain.
=> Sử dụng Defillama để tra cứu giá trị TVL, thay đổi TVL qua thời gian và xếp hạng TVL của tất cả các dự án Defi trên thị trường.
Cryptoquant.com
Đây là trang web vô cùng uy tín và nổi tiếng về phân tích dữ liệu on-chain. Bạn có thể sử dụng trang web này để truy cập hầu hết các dữ liệu on-chain cơ bản. Crypto Quant vốn là công ty chuyên cung cấp và dữ liệu phân tích toàn diện On-Chain, có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc và được thành lập vào ngày 27/9/2018. Hiện nay, website này thường được đại đa số các nhà đầu tư sử dụng.
Với Crypto Quant, nó có thể giúp bạn tra cứu nhiều tiêu chí khác như:
- Số lượng token được đẩy lên sàn
- Thống kê dòng tiền mua/bán của một đồng coin
- Ví của các thợ đào đang có xu hướng nắm giữ hay bán ra
- Dự trữ stablecoin của các sàn
- ..vv…vv….
Glassnode.com
Glassnode là công ty phân tích Blockchain cung cấp thông tin trực tuyến và dữ liệu cho các tổ chức đầu tư tiền điện tử. So với Cryptoquant thì Glassnode cung cấp các thông tin đa dạng. Tuy nhiên, một số chỉ số sẽ có độ trễ nếu bạn dùng bản free. Nếu xem các chỉ báo nâng cao và dữ liệu realtime thì sẽ phải chịu phí.
Với Glassnode, bạn sẽ có quyền truy cập vào 200 chỉ số và 15 loại dữ liệu. Hơn nữa, TradingView được tích hợp vào Glassnode và cho phép truy cập vào tất cả các công cụ phân tích có sẵn trong TradingView.
Theblock.co
Xem dữ liệu On-Chain ở đâu? Theblock.co là một website tra cứu dữ liệu On-Chain mình rất thích bởi nó đơn giản, dễ sử dụng mà lại miễn phí. Nó cung cấp gần như hầu hết các dữ liệu chỉ số mình đã nêu ở trên, các thông tin về khối lượng giao dịch Spot, Future hay thông tin về Stablecoin đang ở trên Blockchain nào.
Thực tế, Theblock.co không phải là công ty phân tích, họ mua dữ liệu từ Coinmetrics hoặc Glassnode, nhưng họ đã cung cấp cho chúng ta một bộ dữ liệu On-Chain khá đầy đủ, gần như là không thiếu một cái gì.
Messari.io
Một khi bạn trở thành một nhà giao dịch nâng cao, bạn cần có cái nhìn chi tiết hơn về thị trường và nhiều thông tin hơn. Messari cung cấp các tính năng và cơ sở nghiên cứu chuyên nghiệp và tiên tiến, đồng thời giúp bạn hiểu sâu hơn về động lực thị trường.
Với biểu đồ Mesari, bạn có thể nhận được thông tin chính xác và chi tiết về từng tài sản, bao gồm các dữ liệu trên chuỗi khác nhau như vốn hóa thị trường đã thực hiện, địa chỉ hoạt động, phí khai thác và hơn thế nữa.
Sharkscan.io
Như mình đã nói ở trên thì một chỉ số rất quan trọng trong phân tích On-Chain là gì, đó là xem xét hoạt động của ví cá mập. Và không website nào làm tốt hơn là Sharkscan.io. SharkScan là một ứng dụng cho phép người dùng theo dõi danh mục đầu tư của các Shark – các địa chỉ giao dịch với tài sản trên 50,000$.
Coinglass.com
Công cụ đắc lực cuối cùng đó chính là Coinglass – người bạn không thể thiếu của các tín đồ “Long – Short”. Coinglass là nơi bạn có thể tìm thấy những mức chênh lệch LONG/SHORT trên các sàn, Liquidation, Funding Rates, các khoản đầu tư chi tiết của Grayscale… Tóm lại nó có hầu hết dữ liệu để bạn có thể bám sát và theo kịp thị trường.
Trình Explorer của Blockchain
Ngoài các công cụ, website giúp phân tích dữ liệu On-Chain mình vừa giới thiệu ở trên, thì các bạn có thể vào từng website theo dõi của từng blockchain một. Bởi vì các token được tạo trên Blockchain luôn mang tính minh bạch, nên chúng ta có thể tra cứu mọi giao dịch, ví,… một cách dễ dàng. Một số trang theo dõi của các Blockchain lớn hiện nay:
- Ethereum (ETH) Blockchain: https://etherscan.io
- Binance Smart chain: https://bscscan.com
- Solana (SOL) Blockchain: https://explorer.solana.com
- Near (NEAR) Blockchain: https://explorer.near.org
Vậy đâu là website lấy dữ liệu On-Chain tốt nhất?
Website mình recommend tốt nhất đó chính là Crypto Quant, bởi nó chỉ cần Đăng nhập vào là có thể truy cập được rất nhiều dữ liệu On-chain, và quan trọng là miễn phí. Trong khi đó, Glassnode thì dù có những tính năng cũng như chỉ số phân tích chuyên sâu nhưng phải trả phí nên nếu bạn không phải là người phân tích chuyên nghiệp thì có thể bỏ qua.
Hoặc bạn có thể sử dụng những website: Coinmarket.com và Theblock.co dành cho bạn nào muốn tra cứu nhanh, đơn giản.
Đặc biệt, luôn sử dụng Defillama.com để tra cứu TVL, và Coinglass.com để tra cứu tỷ lệ LONG/SHORT trên các sàn, hay Sharkscan.io để xem thông tin “cá mập”. Những website này là độc nhất trong list vì chúng cung cấp những dữ liệu khác với những website còn lại.
Có thể thấy, dữ liệu On-chain là một công cụ vô cùng đắc lực trong việc giúp các bạn đưa ra các quyết định đầu tư của mình. Tuy nhiên, nó đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức nhất định mới có thể sử dụng hiệu quả. Chính vì vậy, qua bài viết này mình mong các bạn phần nào đã hiểu được phân tích dữ liệu On-Chain là gì, cũng như những bước đầu tiên để làm quen với nó. Hãy nhớ luyện tập thường xuyên để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nhé. Chúc bạn đầu tư thành công.