Như thường lệ, chủ đề củ góc nhìn mới. Chủ đề của hôm nay là có nên gửi tiết kiệm không và đánh giá về vấn đề gửi tiết kiệm.
Trước hết cũng xin đưa ra vài luận điểm khá phổ biến:
- Gửi tiệt kiệm chỉ có lỗ, tiền lãi không bù được lạm phát.
- Gửi tiết kiệm là tự làm nghèo chính mình, bạn có 100 triệu, gửi một năm được 8 triệu tiền lãi. Tưởng chừng như bạn lời được 8 triệu, nhưng ngân hàng cũng được 2 triệu, người vay tiền cũng sẽ cộng chính tiền trả lãi của họ vào chính giá sản phẩm, và tất nhiên cuối cùng bạn chịu giá đó khi mua hàng. Vậy chẳng phải bạn gửi tiết kiệm làm bạn mua hàng giá cao hơn sao? Hay đơn giản là làm giàu cho người khác và làm nghèo mình.
Vậy chúng ta phải đánh giá thế nào về vấn đề gửi tiết kiệm? Chúng ta chỉ nhìn nhận dưới góc độ người có tiền cân nhắc về việc gửi tiết kiệm chứ không bàn về tác động của nó trong nền kinh tế.
Tôi cho là gửi tiết kiệm ở Việt Nam có thể coi là một hoạt động đầu tư, do vậy nó có đầy đủ các đặc điểm: Lợi nhuận & rủi ro. Với nhiều diễn biến kinh tế rất mạnh như trước đây (Lạm phát, đổi tiền) khiến nhiều người luôn định kiến về gửi tiết kiệm. Chưa kể thêm sự tăng phi mã của BĐS, người ta lại càng cho rằng gửi tiết kiệm là dở.
Đầu tiên tôi sẽ bàn về ảnh hưởng của lạm phát tới gửi tiết kiệm. Thực chất thì lạm phát ảnh hưởng tới toàn xã hội, dù bạn không gửi tiết kiệm thì lạm phát vẫn ảnh hưởng tới bạn. Lạm phát tới mức cảm 100 200% gần như sẽ không còn nữa, do vậy lạm phát nên được bỏ ra ngoài tiêu chí đánh giá.
Hãy thử tính toán với những con số minh họa:
Số tiền có 100 triệu, gửi tiết kiệm lãi suất 10%/năm. Sau 2 năm, số tiền lãi không lũy kế là 20 triệu, số vốc gốc là 100 triệu. Lương của bạn từ 8 triệu lên 10 triệu, phở tăng giá từ 25K lên 30K. Bạn thấy đấy, dù bạn không có 100 triệu để gửi tiết kiệm 2 năm trước thì bạn vẫn phải đối mặt với vấn đề của lạm phát gây ra. Trong tình huống siêu lạm phát, sau 2 năm, phở đã lên 80K/bát, lúc này thì việc gửi tiết kiệm sẽ là rất sai lầm. Như đã đánh giá, siêu lạm phát gần như sẽ không còn xảy ra trong tương lai gần, do vậy chúng ta có thể bỏ yếu tố này trong đánh giá.
Lại có người so việc gửi tiết kiệm với BĐS, tôi cũng có câu trả lời luôn cho bạn: Nếu so với BĐS dài hạn thì tất cả mọi thứ đều lỗ chứ không riêng gì gửi tiết kiệm:
- 100 cây vàng xưa mua được biết bao nhiêu đất, vậy giờ 100 cây vàng khoảng 5.6 tỷ VND thì được bao nhiêu BĐS?
- 10 năm làm công trước đây mua được một mảnh đất chứ bây giờ cần bao nhiêu năm?
- Sắt, thép, xi măng, gạch ngói hay đa số các vật dụng và chính tiền gửi tiết kiệm cũng vậy, lỗ rất nhiều so với BĐS.
Vậy lấy gì để đánh giá xem có nên gửi tiết kiệm không? Cơ hội đầu tư chính là câu trả lời cho bạn. Khi cơ hội đầu tư tốt thì không nên gửi tiết kiệm và ngược lại. Cơ hội đầu tư được xác định qua 02 yếu tố:
- Năng lực của bản thân bạn
- Cơ hội của thị trường (thời thế)
Thiếu một trong 2 thì cứ để tiền gửi tiền tiết kiệm bạn nhé. Nhưng lại rất khó để đánh giá thời thế, do vậy tôi đưa ra 1 giải pháp khá đơn giản cho những người cân nhắc về gửi tiết kiệm:
Lãi suất gửi TK >= Tỉ lệ tăng trưởng GDP thì cứ gửi nếu bạn không có năng lực hay nhu cầu kinh doanh gì. Hãy cứ tưởng tượng như nước lên thì thuyền lên, dù không sinh lời hay rất nhỏ nhưng bạn không bao giờ bị kéo lùi so với mặt bằng chung.
Lãi suất TK rất thấp thể hiện tính khó khăn của thị trường (Khi ngon, dễ và hiệu suất sinh lời cao gần như lãi suất luôn phải cao). Nếu bạn có năng lực thì ưu tiên đầu tư dài hạn, nếu bạn chẳng hiểu biết gì lắm thôi khuyên bạn gửi tiết kiệm. Giai đoạn LS thấp là giai đoạn đa số cảm thấy khó khăn, bạn không có năng lực lại nhảy vào là ít hợp lý.
Vẫn dùng những con số trong minh họa trên, Gửi TK LS 10%/năm, GDP tăng 6%/năm. Như vậy khi toàn xã hội giàu thêm 6% so với trước đó, bạn cũng chênh lệch thêm được 4%, vẫn là rất tốt khi bạn ít phải làm gì. Bạn có thấy ở những nước đã phát triển, LS tiết kiệm rất thấp thậm chí âm chưa? Bởi GDP của họ cũng tăng trưởng rất chậm, thậm chí âm. Có thể không khi bạn gửi tiết kiệm được 10%/năm mà toàn xã hội đi lùi tới 2%? Vậy tiền đâu để trả lãi cho bạn khi chính họ còn đang vận hành lỗ.
Trong 1 đất nước đang phát triển và còn rất nhiều cơ hội như VN, LS tiết kiệm gần như sẽ luôn cao hơn tăng trưởng GDP 1 chút, nhưng sẽ chênh lệch ngày càng nhỏ.
Bài nên đọc: So sánh giữa các loại hình đầu tư hiện nay.
Tổng kết lại: Nếu không có năng lực thì gửi tiết kiệm rất ổn, còn nếu năng động một chút thì đầu tư là lựa chọn ổn hơn nhiều với một đất nước còn nhiều tiềm năng như Việt Nam. Đối với gửi tiết kiệm, tránh gửi rất dài hạn triền miên. Nó là giải pháp rất tốt cho ngắn hạn, trung hạn. Còn đối với thực sự dài hạn, chỉ có BĐS & CK là những lựa chọn tốt nhất.