Cú nảy mèo chết là một thuật ngữ tài chính, nó là một đợt phục hồi tương đối lớn (Bao gồm cả biên độ và thời gian) trong một xu hướng giảm. Tức việc phục hồi là nhất thời, nhưng mức phục hồi khá ấn tượng và cũng là một cơ hội nên xem xét.
Ngồi chơi là một khuyến nghị hàng đầu trong xu hướng giảm. H.P đã đưa ra cả tá những khuyến nghị như vậy từ vài tháng trước. Tuy vậy cú nảy mèo chết đủ hấp dẫn để có thể tham gia. Trong bài này, H.P sẽ đưa ra các dữ liệu và luận điểm về một cơ hội đang rất gần. Tất nhiên sử dụng và quyết định, trách nhiệm thuộc về bạn.
Nội dung
Các giai đoạn diễn biến trong lạm phát
Ý này đã được H.P đăng trước đó, chỉ là chúng ta cần trích dẫn lại để có thể hiểu rõ bài viết này hơn. Thông thường, lạm phát cơ bản được diễn ra theo các giai đoạn sau:
-
Giai đoạn mầm mống lạm phát: Hàng hóa & tài sản tăng an toàn
-
Giai đoạn thấy rõ của lạm phát: Thị trường thường đạt đỉnh tại đây.
-
Giai đoạn lạm phát bùng nổ: Thị trường bắt đầu phân hóa, một số ngành vẫn đi lên, nhiều ngành đã đi xuống. Đây thường là kích hoạt cho sự thay đổi chính sách tiền tệ.
-
Giai đoạn lạm phát dò đỉnh: Lạm phát vẫn tăng dù chính sách tiền tệ đã chuyển sang thắt chặt. Sau những thay đổi của chính sách tiền tệ, hầu hết các thị trường, ngành nghề đều đi xuống rất mạnh.
-
Giai đoạn giảm lần đầu của lạm phát: Xuất hiện cú nảy mèo chết, sự hi vọng về phục hồi của kinh tế và điều chỉnh chính sách đưa thị trường có những đợt tăng đáng kể.
-
Giai đoạn lạm phát vẫn tiếp tục hạ: Kinh tế thực sự ngấm mạnh mẽ tác dụng của các công cụ chính sách tiền tệ, lúc này dù lạm phát giảm nhưng dòng tiền yếu dẫn tới xu hướng giảm sideway theo kiểu tằm ăn dâu vẫn tiếp tục.
-
Giai đoạn hồi phục hoàn toàn khi thị trường thích nghi hoàn toàn và lạm phát cao kết thúc.
Nếu nói về từ khóa lạm phát, có lẽ nó mầm mống ngay từ khi chính sách cung tiền rất sốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chúng được quan tâm nhiều hơn theo chính sự tăng trưởng của lạm phát. Có 1 tư duy rất cần thay đổi: Không xác định giai đoạn. Nó có thể hiểu đơn giản như sau qua vài ví dụ:
- Bitcoin tốt để đầu tư chứ, nhưng vẫn phải xác định xem chúng ta đang ở giai đoạn nào. Đâu phải tốt để đầu tư là mở tài khoản và làm lệnh all in về cất ví lạnh ở giá 65K.
- Hàng hóa trong giai đoạn lạm phát tăng chứ, tích trữ là phù hợp. Nhưng tới giai đoạn chính sách tiền tệ đã thay đổi, nó thường diễn ra trong lúc lạm phát đang tiếp tục dò đỉnh. Lúc này, lạm phát vẫn tăng, nhưng tích trữ tiền mới là sáng suốt thay vì tích trữ hàng hóa. Hãy xem giá: Vàng, sắt, thép, đồng, nhôm v.v đã thê thảm như thế nào dù lạm phát vừa đạt đỉnh tháng này.
- Hold chứng khoán & coin để chống lại lạm phát 10%/năm, kết quả tài khoản lỗ 10% mỗi ngày.
Về cơ bản, cần nhận định rõ những rủi ro khi đầu tư lúc lạm phát tăng. Có lẽ quá khứ lạm phát lên tới 3 con số ở Việt Nam đã ám ảnh rất nhiều người. Chỉ cần nghe thấy “lạm phát” là họ muốn tích trữ thứ gì đó, bất chấp rằng mọi thứ đã sang giai đoạn khác. Lúc truyền thông thường lặp đi lặp lại về lạm phát, đó cũng là lúc mọi thứ bước sang giai đoạn cơ hội thì ít rủi ro thì nhiều khi đánh cược vào tăng giá nhờ lạm phát.
Trước đó, H.P đã từng đề cập rất rõ ràng: Tăng trưởng (tăng giá) nhờ vào lạm phát là cuộc chơi có rủi ro. Đó là cơ hội, nhưng cơ hội này phải tỉnh táo. Bản thân H.P đã chứng kiến nhiều người chỉ nhìn vào “tiền lời tương lai” để vội vã tích hàng hóa. Tư duy rất đơn giản: Lạm phát to, tiền mất giá: Tích trữ ít hàng hóa mai kia tăng 30 – 50%, chứ cầm tiền mặt thì mất hết. Nếu bạn tích các nhóm kim loại, nguyên liệu, coin, cổ phiếu thì giờ này Tết còn cách xa 1.000 cây số chứ không phải 6 tháng. Xem lại bài đăng về các vấn đề khi đầu tư trong giai đoạn lạm phát (2021).
Nhìn vào 2 đồ thị trên, bạn hiểu ngay “ôm hàng” lúc này đôi khi còn khổ hơn ôm tiền rồi lạm phát vài % nhiều. Ngay cả kim loại quý là Vàng cũng có chung số phận. So với đỉnh 2100 hiện tại vàng chỉ ở mức 1700, tương tự với bạc và bạch kim. H.P có thể minh họa cho khuyến nghị của mình trong đầu tư vàng khi lạm phát:
- Khuyến nghị đầu tư vàng vào cuối 2021 khi lạm phát đã có, nhưng chưa xuất hiện rủi ro lớn từ chính sách. (Vàng đã tăng từ 1785 lên 2000+ giai đoạn này)
- Dừng khuyến nghị đầu tư với vàng vào 04/2022 khi chính sách tài chính thay đổi, lúc này chỉ ưu tiên cầm tiền, vàng cũng chỉ là hàng hóa. Kết quả vàng đã giảm ngược về 1700$/oz.
H.P đánh giá rằng, chúng ta đang ở cuối giai đoạn 4, chuẩn bị bước sang giai đoạn 5 trong những giai đoạn liệt kê phía trên. Tất nhiên, mọi dự đoán đều dựa trên dữ liệu. Chi tiết hơn mời bạn xem phía dưới.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô cơ bản
- Chỉ số CPI của Mỹ được công bố ngày 13/07: 9.1% (12 tháng). Dễ dàng thấy tràn ngập trên các bài báo về câu chuyện lạm phát ở Mỹ đạt kỷ lục.
- Chỉ số PPI của Mỹ (12 tháng) công bố ngày 14/07: 11.3%.
- Mức tăng lãi suất dự kiến của Fed ngày 28/07: Dự kiến tăng 0.75%, có khoảng 15% xác suất tăng 1% (Tỉ lệ này có thể thay đổi)
Nhìn chung chỉ nhìn vào 3 dữ liệu này, bạn rất khó hình dung ra diễn biến thị trường. Chúng ta cần đi sâu hơn 1 chút để nhìn từng dữ liệu nhỏ hơn trong đó.
Chúng ta sẽ tập trung vào dữ liệu CPI là đủ. (PPI sau đó cũng dẫn tới kết của của CPI, LS và chính sách của FED cũng sẽ dựa trên kết của CPI là chính).
Bạn có thể thấy các vấn đề từ kết của CPI như sau:
- Mức tăng 1.3% so với tháng trước là kỷ lục, nó kéo CPI 12 tháng lên mức 9.1%. Tuy vậy đây là dữ liệu tích cực, bởi với đà tăng liên tiếp, mạnh vào 2 tháng 5 và 6, sang tháng 07 chúng ta sẽ có gia tốc tăng bị chậm lại. Như vậy CPI của tháng 7 chưa chắc đã giảm, nhưng gần như mức tăng sẽ thấp hơn đáng kể so với tháng 6.
- CPI tăng chủ yếu do 2 nhóm năng lượng và thực phẩm. Trong đó, nhóm năng lượng có mức tăng rất “thấm”.
Như vậy mặc dù chưa có CPI tháng 07 (được công bố vào tháng 08), nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán về một kết quả rất lạc quan. Cụ thể, các mặt hàng năng lượng (dầu thô, xăng thành phẩm, khí đốt) đều có mức giảm rất tốt trong 4 5 tuần gần đây.
Kết hợp 2 yếu tố: 02 tháng tăng kỷ lục và diễn biến giá hàng hóa trong rổ CPI, chúng ta đã có thể dự báo về CPI tháng 7 lạc quan một cách có cơ sở.
Tâm lý và diễn biến thị trường
Sau khi tin tức CPI được công bố, các thị trường tài chính (Vàng, dầu, TTCK, coin) có mức giảm khá đáng kể. Nhưng ngay sau đó, mọi thứ phục hồi và trở lại bình thường. Lạm phát đạt đỉnh, nhưng tại sao thị trường lại phản ứng như vậy?
Hiểu rằng: Đỉnh chính là thứ mà từ đó đi xuống. Thị trường đã đặt cửa vào việc lạm phát đã đạt đỉnh, do vậy xu hướng giảm đã không diễn ra. Liên tục có những đợt co giật khi có những nghe ngóng về chính sách. Những dự đoán rằng Fed sẽ mạnh tay hơn ở mức tăng 1% lãi suất cơ bản khiến thị trường có những cú giảm. Ngay sau đó, khi tâm lý ổn định trở lại, giá lại trở về mức khá “ổn”.
Còn quá nhiều ẩn số trong giai đoạn kinh tế này, đặc biệt từ phía cuộc chiến Nga – Ukraina. Do vậy chưa thể kết luận được đỉnh hoàn toàn của cả quá trình lạm phát đã sắp hoàn thành. Nhưng chúng ta sắp có một sự kỳ vọng, đồng thuận rằng: Rất có thể lạm phát đã đạt đỉnh và quay đầu. Và tất nhiên khi những kỳ vọng được xác nhận (bởi CPI tháng 7), tâm lý thậm chí sẽ xuất hiện hẳn tín hiệu lạc quan.
Khi những dữ liệu tích cực xuất hiện, 2 tâm lý lạc quan bao gồm:
- Lạc quan về tình hình kinh tế, lạm phát đã được kiểm soát, mọi thứ sẽ dần ổn và đi vào quỹ đạo. GDP lại tăng, làm ăn lại ổn định v.v
- Công cụ chính sách tiền tệ của Fed đã có hiệu lực, Fed không cần bạo lực hơn nữa trong kiểm soát lạm phát. Xu hướng diều hâu suy giảm, thậm chí là nới lỏng để tránh suy thoái diễn ra.
Tâm lý lạc quan này mới đủ sức kéo thị trường hồi phục 1 cú nảy mèo chết đúng nghĩa. Chúng thậm chí có thể tiến tới lạc quan hay kỳ vọng thái quá, thay vì bi quan như hiện tại. Không quan trọng lạm phát thực sự có đỉnh trong rất dài hay chưa, chỉ cần “làng” nghĩ đó là đỉnh, đó là một cơ hội tốt.
Mở rộng thêm về lạm phát
Lạm phát thì được định nghĩa rất cơ bản ở link này. Nhưng bạn có thể hiểu một cách dễ hiểu như sau:
Ví dụ:
- Bơm tiền, cung tiền tăng cao mà hàng hóa sản xuất có giới hạn: Lạm phát
- Xăng rẻ như ở Venezuela, nhưng sản xuất không được hàng hóa: Tiền nhiều không có hàng mà mua: Lạm phát.
- Xăng đắt, chi phí vận chuyển, sản xuất tăng cao: Lạm phát.
- Nhu cầu tăng đột ngột, cung vẫn như cũ: Giá lên, lạm phát.
- Nhu cầu như cũ, cung gặp vấn đề (dịch bệnh: Như dịch cúm gia cầm ở Mỹ hiện tại), làm giá trứng gà tăng: Lạm phát
Như vậy 3 vấn đề xoay quanh lạm phát chính là: Cung tiền, chi phí sản xuất và quan hệ cung cầu. Để lạm phát giảm xuống, chúng ta phải đảm bảo cả 3 vấn đề đều ổn:
- Hạn chế tăng nguồn cung tiền (Fed đã thực hiện điều đó)
- Chi phí sản xuất mà cụ thể chính là giá xăng dầu, điện, than (rồi mới tới các nguyên liệu đầu vào khác) phải được giảm xuống
- Quan hệ cung cầu là một then chốt nữa trong vấn đề lạm phát. Đó là lý do bạn thường xuyên nghe về đứt gãy chuỗi cung ứng này nọ trong các thông tin gần đây. Tiền thì đang có, nếu hàng hóa không sản xuất hoặc vận chuyển tới nơi được dẫn tới: Cầu > Cung, lạm phát.
Đánh giá về cơ hội giải quyết vấn đề lạm phát hiện tại, mọi thứ dường như khá “ổn”. Cung tiền đã thu hẹp với chính sách thắt chặt. Chuỗi cung ứng toàn cầu có vẻ như không quá đáng ngại sau việc TQ vẫn đang rất ổn định. Giá năng lượng chính lúc này là then chốt giải quyết mọi bài toán (bao gồm 1 phần lớn chi phí logistic).
Giá dầu thô chưa phải là kỷ lục so với giá nó từng thiết lập trước đó (160 USD – 2008). Tuy vậy giá xăng và các chế phẩm lại có mức tăng cao hơn nhiều. Bởi các “nguyên liệu & chi phí” lọc dầu tăng cao. H.P đánh giá rằng việc này là biểu hiện của sự sắp đặt trong thao túng tài chính. Nó khiến giá xăng thành phẩm dễ bị kiểm soát hơn, dù giá dầu thô có diễn biến ngoài ý muốn.
Nhìn chung, cơ hội về việc xử lý thành công lạm phát là có. Tất nhiên chúng cũng sẽ gây ra những hệ lụy về kinh tế, nhưng ở mức độ nhỏ chứ không có điều gì siêu khủng khiếp xảy ra. Ít nhất từ các dữ liệu hiện tại, chúng ta vẫn còn chưa biết các nước đi tiếp theo (Nga, Trung Quốc, Mỹ), do vậy việc dự đoán mò không cần thiết.
Tổng kết
Chúng ta có thể có một cơ hội mua vào trong giai đoạn này và chứng kiến mức hồi phục ấn tượng. Sự kỳ vọng và lạc quan sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Xu hướng dài hạn hẳn: Sự thay đổi chính sách mới là then chốt, không cần xem các dữ liệu khác. Mà chính sách thì còn khá lâu mới thay đổi.
Sẽ xuất hiện một cơ hội mua rất tốt nếu thị trường lo lắng hoặc sợ hãi về việc Fed sẽ tăng lãi suất 1% thay vì 0.75% vào tháng 28/07. (Hiện tại tâm lý đang tích cực, tỉ lệ dự đoán 0.75% là 70% và 30% cho tỉ lệ tăng 1%). Lưu ý rằng chưa chắc điều này đã xảy ra.
Việc đặt cửa vào cú nảy mèo chết có 1 chút rủi ro, nhưng cơ hội này cũng không tệ. Cân nhắc R/R về biên độ khá tốt, do vậy chia vốn là phương án phù hợp lúc này. Cá nhân H.P tiếp tục duy trì quan điểm chọn 1 vài cổ phiếu tốt (Công ty làm ăn ổn, P/B thấp) để nắm giữ tới tận thời điểm cú nảy mèo chết hoàn thành. So với coin, CK sẽ chậm hơn đáng kể, bù lại bạn nhàn đầu hơn và việc giải ngân cũng thoải mái tâm lý hơn.