Cần làm rõ rằng chúng ta nên phân loại như sau: Danh mục đầu tư được chia thành 2 nhóm: Tiền và tài sản. Trong nhóm tài sản đó có thể là: BĐS, Vàng, Chứng Khoán, Coin v.v. Dựa vào độ rủi ro & cơ hội thị trường, nguồn tiền sẽ được dịch chuyển sao cho hợp lý nhất.
Nguyên tắc như sau:
- Càng nhiều rủi ro, thứ tự ưu tiên (Downtrend): Tiền mặt (Gửi ngân hàng) => Chứng Khoán (Công ty tốt) => Vàng => BĐS => Coin
- Càng nhiều cơ hội, ít rủi ro (Uptrend): Coin => Chứng Khoán => BĐS => Vàng => Tiền mặt
Không nhất thiết chọn chính xác một loại hình, nhưng có thể điều chỉnh tỉ lệ cho mỗi khoản đầu tư. Bài viết này đưa ra một vài thông tin và khuyến nghị. Nhưng tất nhiên bạn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nội dung
Thị trường đang rủi ro tới mức nào?
Xác định mức độ rủi ro là rất cần thiết. Chúng ta đang nằm trong thị trường gấu (bearish), nhưng con gấu này hung dữ tới đâu?
Hoài Phong đã nói tới ít nhất 15 – 20 lần về việc rủi ro lớn nhất của chúng ta đến từ chính sách của FED. Cụ thể đó chính là thắt chặt bao gồm tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán (QT). Ở thời điểm hiện tại, sau vài kỳ tăng lãi suất, LS cơ bản của Mỹ đã đạt mức 1.75%. FED dự kiến sẽ tăng LS tới khoảng 4 – 5%. Nhìn chung đây là một con số không quá tệ, tức nó có tác động tiêu cực tới kinh tế nhưng cũng không phải quá ghê gớm. Khó khăn tất nhiên sẽ có cho các doanh nghiệp, nhưng chưa đủ để tạo ra những đổ vỡ rất lớn.
Fed dự kiến hạ lạm phát từ mức 8.x% hiện tại về 4%, sau đó giữ nó đi ngang để kinh tế thích nghi một chút trước khi hạ về mức lý tưởng 2%. Việc can thiệp thô bạo về 2% ngay lập tức tất nhiên sẽ gây ra suy thoái nghiêm trọng.
Đối với phần thứ 2 của chính sách là QT, chúng ta có mỗi tháng FED sẽ bán hoặc ngừng gia hạn trái phiếu sao cho bảng cân đối kế toán thu hẹp 90 tỷ đô. Hiện tại bảng cân đối kế toán của Fed khoảng 8.900 tỷ đô. Mục tiêu là giảm bảng cân đối này tới khoảng 6.400 tỷ, tức giảm 2.500 tỷ đô. Chia thời gian, chúng ta có khoảng thời gian còn lại khoảng 27 tháng. Như vậy ước tính QT sẽ kết thúc vào tháng 10/2024.
Đối với tăng trưởng GDP, Chủ tịch Fed Powell mới đưa ra quan điểm rằng GDP cuối năm 2022 vẫn rất ổn, nhưng sang 2023 có nguy cơ suy thoái là rất cao.
Như vậy 2024 có vẻ là một thời điểm rất lý tưởng cho 1 chu kỳ uptrend mới bắt đầu. Nó trùng với thời điểm đảo ngược chính sách của Fed bao gồm:
- Dừng chính sách thắt chặt, chuyển sang bình thường hoặc nới lỏng.
- Lạm phát đã kết thúc, chu kỳ suy thoái ngắn đã hoàn thành và đợt tăng trưởng mới bắt đầu
Đối với thị trường không quá tiêu cực, nó đồng nghĩa với giá lúc này cũng không tới mức cao, có thể đầu tư. Nhưng việc đầu tư vào thời điểm này lại KHÔNG được khuyến nghị. Trong đầu tư ngoài giá tốt còn một yếu tố nữa là thời điểm. Việc đánh đổi cả rủi ro & THỜI GIAN chỉ vì giá “có thể tốt” là không hợp lý. Thị trường tích cực trở lại (uptrend) bạn có thể không mua được đáy, nhưng hiệu suất và kết quả có thể tốt hơn rất nhiều cả khi bạn mua được đáy. Như vậy đặc biệt khuyến nghị không đầu tư nếu bạn thường xuyên “cần tiền”. Còn những nguồn tiền thực sự nhàn rỗi thì việc phân bổ có thể thoáng hơn một chút. Bạn cũng có thể dành 15% tiền vào 1 cổ phiếu nào đó có phân tích cơ bản tương đối tốt, để cảm nhận thị trường rõ hơn.
Nguy cơ về đại suy thoái/ Đại khủng hoảng?
Đại suy thoái là tình huống thị trường chạy ngoài dự kiến ở phía trên. Phá sản, vỡ nợ ở mọi nơi, thị trường chứng khoán tụt tới mức thảm họa. Các dữ liệu trước mắt, chúng ta đều không nghiêng về khả năng này xảy ra. Cần hiểu rằng, tỉ lệ xảy ra của các tình huống không thay đổi so với dự báo của H.P trước đó. Xem lại bài: 3 kịch bản của TTCK VN vào tháng 9/2021. HP đã nghiêng về phương án suy thoái nhưng không khủng khiếp như phía trên.
Nhưng chúng ta vẫn có 1 nguy cơ về cuộc suy thoái đẫm máu hơn dự kiến rất nhiều. Nguy cơ thì có thể kể tới:
Lạm phát tiếp tục tăng cao hoặc chính sách của FED thất bại dẫn tới điều đó.
Hoài Phong cho rằng việc dự đoán có đại khủng hoảng hay không giống như đoán suy nghĩ của người khác. Đó là một việc vô vọng. Có thể thấy rằng kinh tế đến ngày hôm nay hoàn toàn do những bàn tay sắp đặt. Chúng không hề diễn ra vô tình hay tự nhiên. Nghe có vẻ đậm thuyết âm mưu, nhưng hãy cùng nhìn vào dữ liệu của việc đó:
- Giữa năm 2021, có cả trăm chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, hay ai có chút hiểu biết về tài chính đều thấy nguy cơ lạm phát rất lớn và lạm phát sẽ xảy ra. Tại sao chủ tịch Fed và chủ tịch ECB lại không biết điều đó? Và tất cả các thành viên hội đồng FED, FOMC đều như vậy? Họ kém hiểu biết hơn chúng ta chăng? Tất nhiên không thể nào. Họ phải làm như vậy để thực thị được chính sách mục tiêu, tiếp tục bơm tiền dẫn tới lạm phát lớn.
- Năng lượng là một nguyên nhân rất lớn dẫn tới lạm phát. Trước thời điểm cuộc chiến Nga – Ukraina diễn ra, giá dầu đã rất cao chứ không cần đợi tới cuộc chiến. Nhưng giá dầu hiện chỉ ở mức 105 – 110 US/thùng, tại sao giá xăng lại cao kỷ lục? Bởi những nguyên liệu lọc dầu tăng rất cao. Như vậy bằng cách này, dù giá dầu thô không tăng, giá xăng vẫn sẽ tăng kỷ lục và tạo ra lạm phát.
Sự thao túng đã diễn ra, và tất nhiên chúng ta không thể đoán hoàn toàn kết quả của thao túng. Cùng đọc lại bài viết: Thích nghi thế nào giữa thời đại bơm tiền H.P viết vào năm 2020. Có thể tóm tắt như sau:
- In ra 5.000 tỷ đô, phát cho mỗi người 10K và rủ chơi chứng khoán, coin.
- Tiếp tục dùng nguồn tiền đã in ra đẩy giá mọi thứ cao kỷ lục. Mọi người đều giàu có và mang cả sổ đỏ vào chơi, có ai chỉ chơi bằng số tiền được phát. Chốt lời lúc mọi người đang say sưa.
- Tạo ra lạm phát để thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt, mọi người lỗ luôn cả 10K được phát và phần lương, phần sổ tiết kiệm tích lũy. Người nào dù có không tham gia vào cũng bị hao hụt tài sản theo giá trị tuyệt đối.
Không thể tự tin 5.000 tỷ để tiêu, đây chính là con đường nhanh nhất để đưa số tiền đã in ra vào túi lợi ích nhóm. Nó giống như “tặng tiền chơi thử” ở các sòng bạc, và tặng 10 triệu thì sau lỗ 100 triệu.
Tại sao nhắc tới câu chuyện thao túng ở đây?
Ở diễn biến kinh tế thông thường, chúng sẽ như những dự đoán ở mục 1. Nhưng một khi người ta đã muốn thao túng để sở thâu tóm các tài sản thật rẻ trước khi thổi chúng trở lại thì điều gì cũng có thể xảy ra. H.P muốn bạn hiểu về rủi ro này để có thể dự phòng 1 vài tình huống rất ảo. Còn lựa chọn vẫn dựa vào dữ liệu đã có.
Ẩn số Tập Cận Bình
Chủ Tịch Tập Cận Bình là ẩn số khiến bài toán kinh tế vĩ mô thú vị hơn rất nhiều. Thế giới đang dần chuyển từ đơn cực với sự độc tôn của Mỹ (USD) sang đa cực. Có thể thấy, chính sách của Fed chính là chính sách của hầu hết các quốc gia. Fed muốn uptrend có uptrend, Fed muốn downtrend có downtrend.
Mọi chuyện bắt đầu từ giữa 2021, khi mọi thứ dần ổn định hơn thì TQ đã bắt đầu có những chính sách đi ngược với Mỹ. Cụ thể là dừng bơm tiền, xử lý các công ty công nghệ lũng đoạn (chiếm vốn hóa / lợi nhuận rất lớn TTCK), siết chặt BĐS. Kết quả, thị trường CK TQ đã rơi vào Downtrend giữa lúc thế giới đang thăng hoa mở hội.
Nhưng điều gì đến đã phải đến, lạm phát xảy ra và chính sách thắt chặt được hầu hết các NHTW áp dụng. Lạm phát ở Mỹ, EU Zone, Đức v.v đều lên tới 8.x%. Trong lúc đó lạm phát ở TQ vẫn ổn định ở mức thấp chỉ 2.1%. Thậm chí ông Tập Cận Bình tiếp tục chính sách đi ngược: Tung ra gói hỗ trợ kinh tế hàng nghìn tỷ đô.
Như vậy việc TQ có những chính sách trái ngược sẽ khiến FED dường như khó khăn hơn trong việc một tay che trời. Nhưng ở sân chơi này, USD vẫn đang có vị thế quan trọng hơn. Và cả kinh nghiệm. Nhưng chúng ta sẽ được thấy một cuộc chiến không quá chênh lệch.
Đây là một tin tức tốt về nguy cơ đại khủng hoảng sẽ không xảy ra. Sự ổn định hoặc phát triển của kinh tế TQ thậm chí còn có thể rút ngắn thời gian của downtrend.
Liệu có thêm một lần giấu bụi dưới thảm
Khả năng này xảy ra rất thấp, giấu bụi dưới thảm là tình huống thị trưởng chưa sửa chữa khắc phục được những rủi ro. Nó tiếp tục được đẩy về sau, tạo ra một đợt tăng trưởng mới ngay từ đây và thiết lập đỉnh mới. Chính sách tiền tệ như hiện tại không cho phép điều đó xảy ra.
Những đợt phục hồi có thể có, phục hồi thậm chí rất tốt nhưng tăng trưởng lớn gần như chưa thể xảy ra tới khi chính sách tài chính thay đổi.
Dữ liệu bổ sung nào về chọn thời điểm?
Bitcoin Halving lần tiếp theo cũng vào 2024. Rất nhiều người cho rằng đây sẽ là thời điểm cho một uptrend tiếp theo. H.P cho rằng Halving là 1 ý tưởng rất cổ điển trong các mô hình Ponzi. Chỉ có điều ở Bitcoin chúng được thực hiện bằng các thuật toán cố định. Nhìn chung chúng có tác dụng nếu người ta thổi phồng về nó thành công. Hiện nay, 19 triệu/21 triệu BTC đã được khai thác. Phần khai thác còn lại, dù có tất cả cũng chỉ là 10%. Và việc 10% quyết định giá của 90% dĩ nhiên không hợp lý. Nhắc lại rằng đây vẫn có thể là cái cớ hợp lý, còn ở góc độ tác động thực tế là không.
H.P từng chia sẻ tới bạn một dữ liệu rất thú vị: Thị trường không thể tạo đáy khi thất nghiệp đang ở đáy. Xem thêm về dữ liệu tương quan giữa thất nghiệp và kinh tế ở đây. Như vậy chúng ta vẫn cần chờ tới khi tỉ lệ thất nghiệp thực sự tăng trở lại khá cao, và chuyển sang giảm. Đó mới là thời điểm của 1 uptrend bắt đầu. Khi suy thoái thực sự xảy ra, thất nghiệp chính là con số không biết nói dối.
Tổng kết
Đừng tập trung vào giá nào, mua gì. Hãy tập trung vào thời điểm trước, có được thời điểm sẽ quyết định mua gì, mua bao nhiêu. Đúng thời điểm, sai coin, sai cổ phiếu vẫn chỉ ăn ít hơn. Sai thời điểm dù có đúng nhiều yếu tốt cũng khó có được thành công.
Hầu hết các dữ kiện hiện tại cho rằng 2024 là thời điểm rất tốt. Ngoài ra, mức độ suy thoái được đánh giá là trung bình, không thảm họa.
Chúng ta vẫn có thể giao dịch ở mức độ trung hạn, do thị trường sẽ có đợt hồi phục ấn tượng khi lạm phát giảm lần đầu. Còn sự tăng trưởng vẫn phải đi khi đủ thời gian.
Cổ phiếu các công ty hoạt động tốt là sự lựa chọn cân bằng tốt, cả lợi nhuận và rủi ro đều ổn.
Nếu các dự đoán như trong bài đều thuận lợi, thì cả đáy và thời gian đều không có gì đáng lo ngại. Tình huống có bàn tay thao túng để điều tồi tệ xảy ra, không đáy nào có thể đoán được.
Chính sách kinh tế là quan trọng nhất để chọn thời điểm, bên cạnh đó việc làm và kỹ thuật cũng có thể trợ giúp ít nhiều.
Độ trễ của thị trường BĐS sẽ cao hơn đáng kể, tức chu kỳ nó dài hơn so với coin và Chứng khoán.
Hoài Phong
Thực sự đọc các bài viết của anh Hoài Phong đều RẤT HAY và cuốn hút. Em có thể tìm thấy các thông tin bổ ích, các phân tích sắc sảo dưới ngòi bút của anh đều được truyền tải đầy đủ. Hi vọng anh có thể ra nhiều các bài viết như vậy. Một lần nữa xin cảm ơn anh về những đóng góp của mình cho cộng đồng, chúc anh luôn mạnh khỏe !