Từ một bát thịt bò ở Tokyo cho đến một suất gà rán ở London, người tiêu dùng đã bắt đầu cảm nhận được rõ rệt sức ép từ sự gia tăng chi phí trong nền kinh tế toàn cầu.
Sự phục hồi kinh tế sau thời điểm đóng cửa vì Covid-19 đã làm làm thế giới phải đối mặt tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng. Các công ty tranh giành nhân công, tàu vận chuyển, thậm chí là cả nguyên liệu cho nhà máy điện, và đangđe dọa nặng nề đến sự phục hồi nền kinh tế.
Ngân hàng TW ở một số quốc gia đã từng hết sức quả quyết khi tuyên bố rằng: lạm phát sẽ sớm giảm xuống. Nhưng đến bây giờ họ đã bắt đầu chịu thừa nhận rằng lạm phát có thể kéo dài trong một thời gian dài, và giá hàng hóa cũng như dịch vụ sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao trong thời gian tới.
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát như thế nào?
Không chỉ giá nguyên nhiên liệu tăng cao khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc ngừng sản xuất, mà đến cả những người bán lẻ và người tiêu dùng cũng đang phải gánh chịu hậu quả từ đợt lạm phát này đem lại.
Nhật Bản:Tokyo – ông Shizuo Mori, chủ cửa tiệm cà phê Heckeln đã cho biết rằng, ông nhớ trong vòng 50 năm trở lại đây, nguồn nhập cà phê của ông chưa bao giờ đắt đến mức như thế này. Giá nhập đã tăng tới 5% trong ba tháng qua. Hiện tại, ông vẫn đang gồng chi phí, siết chặt lợi nhuận vì chưa muốn tăng giá bán cà phê cho khách hàng.
Ở Nhật – đây có thể coi là một điều cực khủng khiếp, bởi người dân đã quá quen với việc giá cả và tiền lương không tăng lên trong nhiều thập kỷ.
Yuka Urakawa, 23 tuổi, làm việc trong lĩnh vực làm đẹp, cho biết: “Thật là khủng khiếp – thu nhập không thay đổi. Thuế đang tăng. Mọi người ngày càng trở nên nghèo hơn“.
Cửa hàng thịt bò Matsuya nổi tiếng ở Nhật đã phải ngừng bán thịt bò “cao cấp” giá 380 yên, thay vào đó họ sẽ cung cấp các loại bát bình dân, và sử dụng các nguyên liệu giá rẻ như thịt bò đông lạnh và hành nhập từ Trung Quốc. Hay ví dụ như sữa Meiji Holdings đã tăng giá bơ thực vật của mình lên tới 12,8% – mức tăng đầu tiên kể từ năm 2008 cho đến nay.
Anh: Thiếu nhân viên xe tải, thiếu thịt, thiếu công nhân kho hàng đã làm cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang vấp phải những vấn đề trầm trọng về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ranjit Singh Boparan, chủ sở hữu của 2 Sisters Group, nơi được mệnh danh là “Vua gà” cho biết: “Ngày tháng mà bạn có thể nuôi cả gia đình 4 người với một con gà chỉ có giá 4 đô la sắp kết thúc rồi“.
Song song với tình trạng thiếu nhân công khiến nguồn cung thịt bị tắc nghẽn, thì người dân Anh còn phải đối mặt với giá xăng tăng vọt và hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt. Dự kiến mùa đông sắp tới, các hộ gia đình sẽ phải kiếm thêm ít nhất 442 bảng Anh thì mới có thể vượt qua mua đồng giá rét.
Đức: Lạm phát Đức tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng 9 vừa qua khi phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung vô cùng nghiêm trọng. Giá tiêu dùng đã tăng 4,1% so với mức 3,4% trong tháng 8. Và đây chính là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 1 năm 1997 cho đến nay.
Theo số liệu từ văn phòng thống kê liên bang, hầu hết các mặt hàng bán buôn đều tăng chóng mặt. Quặng, kim loại và các sản phẩm từ kim loại (62,8%); các sản phẩm dầu mỏ (42,3%); phế liệu (84,6%) cũng như gỗ nguyên liệu và gỗ xẻ (54,6%); ngũ cốc, thuốc lá thô, hạt giống và thức ăn chăn nuôi cũng trở nên đắt hơn đáng kể (23,9%).
Mỹ: Lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 9 và cao hơn 5,4% so với một năm trước đó. Tình trạng thiếu hàng hóa và lao động đã làm tăng giá hàng tạp hóa, xe cộ và đồ nội thất. Đặc biệt, giá năng lượng tăng trên toàn thế giới đã đẩy giá xăng và nhiên liệu sưởi ấm tăng lên.
Người dân Mỹ đã nhận được một cảnh báo từ cơ quan Thông tin Năng lượng, rằng các hóa đơn sẽ cao hơn 50% nếu mùa đông lạnh hơn trung bình 10% và cao hơn 22% nếu mùa đông ấm hơn trung bình 10%.
Trung Quốc: Do chính sách hạn chế lạm phát tiêu dùng, nên áp lực đều đổ dồn về các nhà máy sản xuất. Lạm phát nguyên liệu đầu vào của các nhà máy Trung Quốc đã tăng 10,7% trong tháng 9, mức cao nhất trong gần 25 năm, và nguyên nhân chủ yếu giá than tăng.
Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng của nước này tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%. Lạm phát cơ bản, bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động đạt 1,2% trong tháng 9, không thay đổi so với tháng 8.
Tuy nhiên, có vẻ lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc không phải là miễn nhiễm vô thời hạn, khi các nhà sản xuất đã dần dần có xu hướng đẩy chi phí cho người tiêu dùng phải chịu. Bằng chứng là Foshan Haitian, nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc cho biết trong tuần này họ có kế hoạch tăng giá tới 7%, bắt đầu từ 25/10.
Thổ Nhĩ Kỳ: Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 19,58% vào tháng 9, mức cao nhất trong 2 năm rưỡi vừa qua. Điều này đã làm cho tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết định sa thải ba quan chức ngân hàng TW hàng đầu. Ông đã yêu cầu cắt giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhưng lại làm dấy lên lo ngại giữa các nhà đầu tư cho rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Argentina: Lo ngại trước tình hình lạm phát trên thế giới, nên đất nước này đang sử dụng các biện pháp phổ biến giống những năm 1970. Bộ trưởng Thương mại Nội vụ Argentina, Roberto Feletti, đã ra yêu cầu về việc không được tăng giá trong 90 ngày đối với 1.247 hàng hóa ở trên đất nước này.
Châu Phi: lạm phát ở nhà sản xuất lúa mì hàng đầu của châu Phi đã tăng lên 30% trong tháng 9, nguyên nhân là do xung đột dẫn đến những tuyến đường thương mại bị chặn, cùng với dịch châu chấu làm giảm sản lượng lương thực. Hay ngân hàng TW Ethiopia hồi tháng 8 cũng phải tăng tỷ lệ cho vay đối với các NH thương mại từ 13% lên 16%, và tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ tiền mặt lên 10%.
Chile: Ngân hàng TW của họ đã phải tăng lãi suất thêm 2,75%, khiến nhiều nhà kinh tế phải ngạc nhiên với mức tăng lãi suất lớn nhất trong 20 năm này.
Sandra Valenzuela, mộtt người phụ nữ 46 tuổi sống tại Santiago, Chile cho biết, gia đình cô ấy đang phải cắt giảm ăn thịt vì giá cả hiện quá đắt, và đang tìm mua những loại hàng hóa thương hiệu giá rẻ. “Chúng tôi đang học cách thích ứng dần với nền kinh tế“.
Nam Mỹ: các quốc gia ở đây hầu hết đều đang trải qua một thời kỳ lạm phát rất cao. Nếu không được tăng một mức lương phù hợp, nhiều hộ gia đình có lẽ sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Như Peru, đất nước có nền kinh tế suy giảm nhất ở châu lục này, đang phải gồng mình vật lộn khi giá cả tiêu dùng tăng cao nhất trong 1 thập kỷ vừa qua, đạt tới 5,2% trong tháng 9.
5 yếu tố chính về vấn đề lạm phát trên thế giới
Nếu như thời gian trước, các nhà hoạch định chính sách dự định tung ra hàng nghìn tỷ đô la để kích thích nền kinh tế, xoa dịu khủng hoảng sau COVID-19, thì có vẻ như bây giờ họ sẽ phải bàn tính rút lại phương án này. Liệu các ngân hàng TW có tiếp tục tập trung vào tăng trưởng, hay họ sẽ lo lắng hơn về lạm phát và chú trọng giải quyết 5 vấn đề về lạm phát dưới đây?
Lạm phát nhiên liệu – GASFLATION
Giá khí đốt của châu Âu tăng hơn 350%, còn ở Mỹ tăng hơn 120% trong năm nay. Dầu tăng khoảng 50% và còn được dự kiến sẽ đạt 90 USD/thùng vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, khí đốt và điện chiếm tới 4,8% trong rổ tính lạm phát mà ngân hàng TW châu Âu sử dụng. Họ cũng dự báo lạm phát của khu vực này sẽ tăng lên 2,2% cho hết năm 2021 và tăng 1,8% vào năm 2022.
Không chỉ ở châu Âu, Hoa Kỳ cũng đang chịu tình trạng này, nguyên nhân được nhiều người cho rằng là do Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm khí thải carbon, hạn chế việc sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm. Còn ở Trung Quốc, quốc gia đang đau đầu vì thiếu than, thiếu điện, giá năng lượng tăng cao cũng đã phải cắt giảm sản lượng và đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất.
“Lạm phát đẩy chi phí và thắt chặt nguồn cung thượng nguồn có thể ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận ở hạ nguồn.” – Morgan Stanley cho biết.
Lạm phát chip – CHIPFLATION
Chip tuy rất nhỏ nhưng lại có tác động lớn đến các nhà máy toàn cầu. Riêng tại General Motors (GM.N) , tình trạng thiếu chip đã làm giảm 200.000 xe giao trong quý 3. Chính vì việc giảm sản lượng này đã khiến cho giá xe cũ tăng chóng mặt.
Giá chip đã tăng đã khiến công ty bán dẫn khổng lồ TSMC của Đài Loan cân nhắc mức tăng sản lượng lên tới 20%, chia đều cho ô tô, điện thoại và đồ gia dụng. Nhưng bản thân các nhà sản xuất chip chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng chi phí đầu vào cao, từ nguyên liệu cho đến năng lượng để sản xuất.
Jack Allen-Reynolds của Capital Economics đã dự đoán: “Tình trạng thiếu chip có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới”. Hoặc xa hơn, giám đốc điều hành của Intel dự đoán chip sẽ chiếm 20% chi phí ô tô vào năm 2030, trong khi số liệu năm 2019 chỉ là 4%.
Lạm phát lương thực – FOODFLATION
Giá lương thực toàn cầu T9/2021 đã tăng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 1,2% so với tháng 8 – số liệu do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tổng hợp – đây là một dấu hiệu cho thấy sức ép giá cả ngày càng gia tăng.
Trong đó nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì giá lúa mì tăng 41%, giá ngô tăng 38%, giá dầu thực vật tăng 60%, giá đường 53,5%, giá thịt tăng 26,3% hàng năm…
Nguyên nhân chính dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng vọt có thể đến từ nhiều lý do như: gián đoạn vận chuyển, xuất nhập khẩu bị hạn chế, thiếu lao động nhập cư, hoặc có thể là do tình hình thời tiết bất lợi…vv…
Tại các nền kinh tế đang phát triển, nơi mà lương thực chiếm một tỷ trọng lớn trong giỏ lạm phát, thì sẽ càng có nhiều áp lực để thắt chặt chính sách tiền tệ. Còn các nền kinh tế lớn, đây không phải là vấn đề quá lớn vì lương thực chiếm tỷ trọng không cao, nhưng việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là ở những mặt hàng như nước ngọt hoặc đồ ăn nhẹ.
Lạm phát xanh – GREENFLATION
Rất nhiều quốc gia đã đặt ra những quy định nghiêm ngặt để hướng tới một tương lai “xanh” hơn, nhưng đây lại là nguyên nhân gây ra tình trạng “lạm phát xanh”. Ví dụ ở châu Âu, giá phải trả cho khí thải carbon đã tăng lên gấp đôi trong năm nay, vào khoảng 65 euro/tấn.
Sự chuyển đổi sang công nghệ xanh đã làm tăng chi phí khai thác và sản xuất, dẫn đến giả cả tăng cao hơn. Ngoài ra, việc hạn chế hoặc đóng cửa các nhà máy, phương tiện, tàu thuyền, mỏ gây ô nhiễm môi trường cũng đã làm giảm nguồn cung hàng hóa và nguồn cung dịch vụ, gây áp lực lên giá cả.
Lạm phát tiền lương – WAGEFLATION
Khi giá cả mọi thứ tăng lên, mức tiền lương hiện tại dường như không đủ cho nhu cầu chi tiêu, vì thế người lao động sẽ yêu cầu phải được trả tăng lương.
Mức lương trả theo giờ của người Mỹ đã tăng lên 4,6% trong năm, nhưng giá cả tiêu dùng lại tăng tới 5,4% nên việc tăng lương dường như không bù đắp được điều gì. Ở Đức, lạm phát đã tăng 4,1%, và công đoàn người lao động đang yêu cầu mức lương phải tăng 4%. Trong khi đó, ở Nhật Bản, tiền lương và giá cả cũng đều đang tăng lên một cách từ từ.
Việc đòi hỏi tăng lương đã khiến hành động của các ngân hàng Trung Ương càng trở nên khó khăn. Hầu hết, họ đều cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Nhưng nếu tăng lương quá mức thì có thể là yếu tố tiếp theo đẩy giá cả lên – và rồi tất cả sẽ trở thành một nút thắt khó có thể tháo bỏ được.
Thiếu than, thiếu điện, thiếu chip, thiếu cả nhân công, rồi bài toán mâu thuẫn giữa tiền lương – giá cả, phát triển xanh – chi phí sản xuất đã và đang làm nhiều quốc gia trên thế giới phải đau đầu. Ở thời điểm hiện tại, khó ai có thể dự đoán được kịch bản lạm phát này sẽ diễn biến như thế nào. Chỉ có thể hy vọng, sau khi mùa đông đi qua, giá năng lượng hạ nhiệt, kinh tế thế giới vào năm 2022 sẽ ổn định hơn. Còn trước mắt, khi mùa đông lạnh ập đến, chỉ biết rằng nền kinh tế thế giới đang phải gồng mình chống chọi giữa một cơn bão khủng hoảng vây quanh từ mọi phía này.