Lạm phát đang diễn ra, sẽ diễn ra mạnh hơn nữa. Chọn chiến lược đầu tư gì khi lạm phát sẽ giúp bạn không chỉ giữ được tiền mà thậm chí còn tăng tiền. Năm 2020 chúng ta đã có một từ khóa: “Bơm tiền” thì giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ là: Lạm phát.
Đọc lại dữ liệu cũ: Thích nghi giữa giai đoạn bơm tiền như thế nào?
Nội dung
Lạm phát và sự ảnh hưởng của nó
Ở giai đoạn bơm tiền, có lẽ là dễ dàng hơn để đưa ra một lời khuyên đầu tư. H.P cũng từng đưa ra lời khuyên về việc nắm giữ cổ phiếu hoặc Bitcoin vào năm 2020 là như vậy. Ở giai đoạn lạm phát, mặc dù xu hướng giá cả có thể tăng lên, nhưng mọi thứ sẽ trở nên phức tạp bởi 2 vấn đề sau:
- Không phải tất cả các ngành nghề đều thuận lợi khi lạm phát xảy ra.
- Chính sách vĩ mô có thể được điều tiết khi lạm phát xảy ra
(Đây là 2 dữ liệu có thể khiến bạn gặp rủi ro khi đầu tư)
Bất cứ diễn biến kinh tế đặc thù nào cũng đều là cơ hội. Chúng bao gồm:
- Bong bóng tài chính
- Khủng hoảng kinh tế
- Lạm phát
Khó khăn của người này sẽ là cơ hội với người khác, đó là một quy luật. Đối với lạm phát, giá tăng trong vài tháng có thể bằng số tiền lãi bạn gửi ngân hàng trong 8 năm. Nó cũng có thể tiết kiệm cho bạn thêm 5 năm đi làm. Đó là lí do rất nhiều người đổ xô đi mua vàng khi lo sợ lạm phát, họ lo rằng đồng tiền cầm trong tay sẽ mất giá nhanh chóng.
Đối với việc đầu tư cổ phiếu, chưa chọn lúc này cũng không dễ dàng khi rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi lạm phát tăng cao.
Đầu tư gì khi lạm phát?
Có 3 loại hình đầu tư phổ biến được lựa chọn để phòng thủ trước lạm phát:
- Bất động sản
- Nắm giữ hàng hóa, vật chất
- Đối với cổ phiếu, tính toán các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi đầu vào hoặc ảnh hưởng chậm hơn giá hàng xuất ra.
Bất động sản là phương pháp truyền thống (cổ điển) để phòng chống lạm phát của phương tây. Trong khi đó người Việt thường quan tâm hơn đến vàng. Hiện nay xu hướng chuyển sang BĐS cũng khá cao ở Việt Nam. Nhược điểm của BĐS chính là thanh khoản. Giá BĐS dự kiến sẽ tăng khi lạm phát, tuy vậy phía sau nó là 1 cuộc khủng hoảng kinh tế, do vậy bạn có thể bị “kẹt” lại khi gặp vấn đề về thanh khoản.
Hàng hóa vật chất chúng ta có 2 đại diện “dễ” giao dịch nhất là Vàng và Bitcoin. Đối với người chuyên nghiệp hơn có thể hướng tới: Dầu thô, Cà phê, đậu nành và đường.
Đối với cổ phiếu, chúng ta có thể áp dụng như sau:
- Nhóm năng lượng: Vừa thiết yếu vừa có tốc độ tăng rất nhanh trong mỗi đợt lạm phát. Hầu hết các chuyên gia đều khuyên nắm giữ dầu và cổ phiếu các công ty liên quan tới năng lượng trong giai đoạn lạm phát (Lời khuyên từ chuyên gia S&P)
- Nhóm CP ngân hàng: Nhìn chung ổn, do chi phí đầu vào sẽ tăng không đáng kể so với đầu ra.
- Nhóm nhu yếu phẩm thiết yếu: Nông nghiệp và các ngành hàng ít phụ thuộc đầu vào sẽ hưởng lợi.
- Đối với ngành kim loại (Sắt, thép, nhôm đồng): Mặc dù vẫn có cơ hội nhưng chúng có rủi ro do tăng giá từ nguyên liệu đầu vào (Giá quặng, phôi).
** Biểu đồ nến là giá CP GAS, đường màu cam là giá dầu thô
Vàng, BDS và Bitcoin trong lạm phát sẽ được phân tích thành bài riêng cho từng đề tài. Bạn có thể xem từng đề tài:
Đánh giá về quy mô lạm phát 2021 – 2022
Có vẻ như mọi thứ sẽ “crazy” hơn hiện tại rất nhiều. Ở góc độ cá nhân, Hoài Phong cho rằng tới khi một người dân bất kỳ ở trình độ và nhận thức nào cũng cảm nhận hoặc bàn về lạm phát, nó mới đạt đỉnh điểm.
Do vậy hiện tại vẫn có thể coi là một cơ hội lớn (nhưng có kèm rủi ro). Giá cả sẽ vẫn tiếp tục tăng, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục chênh lệch và khó khăn sẽ đến với nhiều người. Đọc thêm: Bất ổn kinh tế hiện tại nằm ở đâu.
Vẫn chưa tới lúc giữ tiền hay “tiền mặt là vua”. Nhưng cần nhớ rằng động lực tăng giá từ lạm phát không lành mạnh. Ngay phía sau nó sẽ là khủng hoảng kinh tế. Đối với nhóm cổ phiếu: Đừng chỉ chạy theo giá hoặc màu xanh, hãy tập trung vào giá trị cốt lõi (Rủi ro sẽ nhỏ hơn khi bạn mắc sai lầm).
Đối với Bất Động Sản: Không khuyến nghị sử dụng đòn bẩy tài chính lúc này (Vay vốn).
Hoài Phong